Câu chuyện JVC và “vết sẹo” khó mờ
Cách đây 8 năm, cổ phiếu JVC của Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) từng là cái tên thu hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ vài tháng trước đó, cuối năm 2014, một đợt huy động vốn lớn với tỷ lệ phát hành 10:8 đã được Công ty phân phối thành công 100%, dù giá phát hành gấp rưỡi mệnh giá.
Biến cố lớn xảy ra với JVC vào tháng 6/2015, khi ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc JVC đương nhiệm bị bắt với tội danh lừa dối khách hàng. Chưa đầy một năm sau, ông Hướng được tại ngoại. Tuy nhiên, JVC không thể trở về trạng thái cũ khi tiếp tục phải gánh trên vai khoản lỗ lũy kế lớn, xuất phát từ thua lỗ năm 2015 do trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Câu chuyện của JVC có thể khá xa lạ đối với lớp nhà đầu tư mới, nhưng lại là một “vết sẹo” khó mờ trong tâm trí của những “người trong cuộc”.
Khi bàn về Dự thảo Chiến lược Phát triển thị trường Chứng khoán 2021 – 2030 tại một hội thảo do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tuần qua, cổ phiếu JVC lại được nhắc đến trong nhóm “gây thiệt hại” cho nhà đầu tư.
Nêu dẫn chứng, tại thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật Bản, cũng không hiếm trường hợp tương tự, nhưng những quy định về quản trị công ty với doanh nghiệp niêm yết hay yêu cầu về thành viên HĐQT độc lập phần nào giúp cổ đông thiểu số được tiếp cận thông tin khi các biến cố xảy ra, một nhà đầu tư từ Nhật Bản đã đặt câu hỏi với cơ quan quản lý về cách thức bảo vệ quyền lợi cổ đông.
Trên thực tế, nguyên tắc về quản trị công ty từ lâu đã được khuyến khích ở Việt Nam, nhưng không phải mọi quy định đều được đưa vào văn bản pháp luật.
Hồi đáp ý kiến nhà đầu tư tại hội thảo, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCKNN) cho biết, ở cấp độ quản lý, cơ quan quản lý quyết định các nguyên tắc quản trị công ty đưa vào quy định pháp luật. Ngoài ra, nguyên tắc quản trị công ty còn nằm ở các thông lệ tốt được khuyến khích thực hiện. Ở cấp độ thực hành, ngoài tuân thủ quy định pháp luật, thì công ty niêm yết và các thành viên HĐQT còn được khuyến khích thực hiện theo các thông lệ tốt.
Cần vững từ gốc
Bên cạnh sự tuân thủ từ chính các doanh nghiệp, thì công tác quản lý, giám sát và đảm bảo tính công bằng, minh bạch được xem là tiêu chí xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán.
Đây là lý do UBCKNN và JICA đã triển khai Dự án Hợp tác nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam, thực hiện trong 4 năm và vừa kết thúc. Dự án tập trung vào các nội dung như nâng cao năng lực của cơ quan quản lý về thanh tra, giám sát thị trường; giám sát trung gian; quản lý niêm yết/chào bán chứng khoán và nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư của cấp lãnh đạo công ty niêm yết.
Từ kết quả đầu ra của Dự án, ông Kojima Kazunobu, chuyên gia tư vấn của JICA, Tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa đề xuất nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết với giải pháp cụ thể là tăng cường chức năng của thị trường phát hành cổ phiếu (sơ cấp).
Theo khyến nghị từ nhóm tư vấn JICA, thị trường sơ cấp cần thể hiện nhiều hơn vai trò thông qua tăng cường thẩm định chi tiết khi niêm yết cổ phiếu/chào bán ra công chúng và giới thiệu đến các tổ chức phát hành phương thức bảo lãnh phát hành/dựng sổ khi chào bán ra công chúng.
Điều này có thể nâng cao chất lượng công ty niêm yết khi các doanh nghiệp mới gia nhập sàn chứng khoán được thẩm định, đồng thời tăng số lượng chào bán cổ phiếu ra công chúng, gia tăng tỷ lệ thành công khi xây dựng được niềm tin nhờ vai trò của bên trung gian.
Các hoạt động như thẩm định niêm yết định tính, thẩm định bảo lãnh phát hành và thẩm định công bố thông tin được thực hiện bởi công ty chứng khoán bảo lãnh phát hành được kỳ vọng sẽ lọc ra được các công ty có chất lượng cao về tính lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, quản trị công ty, năng lực công bố thông tin và có tiềm năng tăng trưởng.
“Nửa thời gian đầu trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030, hoạt động bảo lãnh phát hành của các công ty chứng khoán có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thị trường”, ông Kojima Kazunobu nhấn mạnh.
Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch mới trên sàn chứng khoán liên tục giảm. Năm 2022, chỉ có hơn 50 mã chứng khoán mới trong danh sách gần 1.700 mã trên 3 sàn.
Nhưng, cũng như quan điểm của chuyên gia từ JICA, điều mà cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn là chất lượng “hàng hóa” – doanh nghiệp niêm yết, chứ không phải là số lượng.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh, quan điểm của cơ quan quản lý là quan tâm chất lượng hàng hóa. Yếu tố chất lượng thể hiện ở tiêu chí tình hình tài chính, quản trị công ty cũng như hoạt động công bố thông tin.
“Chất lượng của doanh nghiệp niêm yết là điều cần quan tâm để đảm bảo ‘hàng hóa’ tốt cho thị trường. Bởi, gốc của thị trường là doanh nghiệp. Khi hàng hóa tốt, thị trường sẽ tăng trưởng bền vững”, ông Sơn nói.
Để lại một phản hồi