Đài Loan muốn hồi hương binh sĩ bơi sang Trung Quốc

“Chúng tôi chắc chắn hy vọng đưa anh ta trở về. Có nhiều kênh khác nhau để thực hiện điều đó và chúng tôi đang theo đuổi”, người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính nói với phóng viên tại cơ quan lập pháp hôm nay, song không đề cập chi tiết những kênh đó là gì.

Tuyên bố được ông Khâu đưa ra sau khi một binh sĩ Đài Loan đồn trú trên đảo tiền tiêu thuộc quần đảo Kim Môn biến mất trong khi làm nhiệm vụ và sau đó được phát hiện tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.

Ông Khâu phủ nhận tin đồn cho rằng binh sĩ này bỏ trốn vì bị ngược đãi trong quân đội.

Khi được hỏi liệu quân nhân này có nguy cơ tiết lộ thông tin mật về quân sự hay không, ông trả lời: “Dù anh ta có làm như vậy, chúng tôi cũng không cần phải thực hiện bất kỳ điều chỉnh chiến lược mô lớn nào để hạn chế nguy cơ”.

Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Chiu Kuo-cheng dự cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp ngày 24/2. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính dự cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp ngày 24/2. Ảnh: AFP.

Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc chưa bình luận về vấn đề này.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan trước đó cho biết người lính họ Trần không xuất hiện trong phiên điểm danh hôm 9/3, khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Erdan, thuộc quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát và nằm cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc khoảng 5 km.

Giới chức đã liên lạc với gia đình Trần, một quân nhân chuyên nghiệp, và thành lập đội đặc nhiệm để tìm kiếm.

Nghị sĩ Đài Loan Vương Định Vũ ngày 11/3 cho hay người lính này đã bơi từ đảo Erdan hướng về thành phố Hạ Môn và được lực lượng hải cảnh Trung Quốc vớt lên. Các giả thuyết ban đầu cho rằng Trần bị sóng cuốn trôi, nhưng giới chức Đài Loan đang đặt nghi vấn anh này đào ngũ. Một số thông tin cho hay Trần lên kế hoạch bơi đến Trung Quốc để trốn nợ cùng các rắc rối trong quan hệ.

Trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, một số người từ cả hai phía đã tìm cách bơi qua vùng biển giữa Trung Quốc và Kim Môn. Tại điểm gần nhất từ trạm quan sát Mashan, khi thủy triều xuống, đảo chính Kim Môn chỉ cách bờ biển Trung Quốc chưa đến 2 km.

Đài Loan kiểm soát Kim Môn, cũng như quần đảo Mã Tổ xa hơn tính từ bờ biển Trung Quốc, sau khi Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan năm 1949.

Vị trí đảo Kim Môn ở eo biển Đài Loan. Đồ họa: Google Maps.

Vị trí đảo Kim Môn ở eo biển Đài Loan. Đồ họa: Google Maps.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*