Thị trường tài chính toàn cầu tuần qua tiếp tục chao đảo sau khi chi phí hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của Deutsche Bank bất ngờ nhảy vọt từ 142 điểm cơ bản (bps) lên trên 220 bps vào hôm 24/3, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối năm 2018. CDS tăng cao cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại rủi ro ngày càng lớn.
Phản ứng trước diễn biến trên, cổ phiếu Deutsche Bank (DBK) tại Đức có lúc lao dốc 15% trong phiên 24/3 trước khi kết phiên với mức giảm 8,5%. Cổ phiếu Deutsche Bank (DB) niêm yết trên sàn New York cũng có lúc rớt 7% nhưng sau đó đã hồi phục và đóng cửa còn giảm 3,1%. Tính từ đầu tháng 2, cổ phiếu của nhà băng lớn nhất nước Đức đã “bốc hơi” hơn 30% thị giá.
Đà lao dốc của cổ phiếu kéo vốn hoá thị trường của Deutsche Bank giảm mạnh xuống còn khoảng 19 tỷ USD. Con số này chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với Vietcombank (VCB) – ngân hàng lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đang có vốn hoá xấp xỉ 18 tỷ USD.
Dù vậy, định giá của Deutsche Bank “mềm” hơn rất nhiều so với hầu hết các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là Vietcombank. P/B của nhà băng lớn nhất nước Đức hiện chỉ còn 0,25 lần trong khi hầu hết các ngân hàng lớn của Việt Nam đều đang giao dịch trên giá trị sổ sách. Thậm chí, Vietcombank còn có P/B trên 3 lần.
Về cơ bản, ngành ngân hàng tại Việt Nam có những đặc thù nhất định khiến thị trường chấp nhận mặt bằng định giá cao hơn. Điển hình là rào cản ra nhập thị trường vô cùng khó đối với lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng cũng khác biệt giữa các ngân hàng trong nước và thế giới.
Với mảng ngân hàng đầu tư chiếm tỷ trọng cao, các nhà băng lớn trên thế giới gặp nhiều khó khăn do Fed liên tục tăng lãi suất tạo ra làn sóng rút vốn trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến các kênh đầu tư. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam hầu hết là ngân hàng thương mại với hoạt động tín dụng vẫn là chủ lực và xu hướng tăng lãi suất được đánh giá sẽ có những tác động trái chiều.
Dù định giá “rẻ” nhưng quy mô của Deutsche Bank lại vào loại “khổng lồ” trên thế giới. Thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của nhà băng lớn nhất nước Đức lên đến 1.440 tỷ USD, gấp hơn 2,5 lần tổng tài sản của toàn bộ ngân hàng trên sàn chứng khoán Việt Nam cộng lại . BIDV – ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam, cũng chỉ bằng 1/16 của Deutsche Bank.
Đến cuối năm 2022, Deutsche Bank đang nắm giữ 621 tỷ EUR (~671 tỷ USD) tiền gửi của khách hàng, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mặt khác, nhà băng này cũng đang cho vay 489 tỷ Euro (~528 tỷ USD), tương đương 79% tiền gửi. Kể từ cuối năm 2019 đến nay, tỷ lệ LDR (cho vay/tiền gửi) của Deutsche Bank thường xuyên duy trì trên 75%.
Sau 5 năm thua lỗ liên tiếp từ 2015 đến 2019, Deutsche Bank đã có lãi trở lại từ năm 2020. Năm 2022, nhà băng này lãi ròng 5,7 tỷ EUR (~6,2 tỷ USD), tăng 65% so với năm trước. Kết quả kinh doanh khởi sắc đã góp phần đẩy vốn chủ sởhữu của Deutsche Bank liên tục tăng từ 54,8 tỷ EUR (~59,2 tỷ USD) vào cuối năm 2020 lên 62 tỷ EUR (~67 tỷ USD) tại ngày 31/12/2022.
Để lại một phản hồi