Theo tờ Vox, Elon Musk đang cố kêu gọi các doanh nghiệp quay trở lại quảng cáo trên Twitter, mạng xã hội đã mất nửa giá trị kể từ khi nhà sáng lập này bỏ 44 tỷ USD mua lại, nhưng chẳng ai chịu nghe. Chính điều này khiến vị tỷ phú giàu nhất nhì thế giới phải sa thải và siết chặt chi phí hoạt động của công ty nhưng mọi chuyện vẫn chẳng khá hơn khi không có nguồn thu.
Đã 5 tháng trôi qua kể từ khi thương vụ 44 tỷ USD kết thúc vào tháng 10/2022 và Elon Musk vẫn chưa giải quyết xong việc hàng loạt thương hiệu lớn tạm đình chỉ quảng cáo trên Twitter. Xin được nhắc là nền tảng này từng phải dựa đến 90% nguồn thu từ quảng cáo và hiện vẫn chưa có sản phẩm nào kiếm tiền thay thế được.
Số liệu của Pathmatics cho thấy hơn 50% trong số 1.000 nhà quảng cáo lớn nhất trên nền tảng này đã ngừng chi tiền trong tháng 2/2023. Trong số 10 nhà quảng cáo lớn nhất thì chỉ còn 6 thương hiệu vẫn còn hợp tác với Twitter sau thương vụ của Elon Musk.
Dữ liệu của SimilarWeb thì cho thấy lượng khách thăm trang quảng bá dịch vụ quảng cáo của Twitter trong tháng 2/2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Hậu quả là doanh thu của Twitter giảm đến 40% còn tổng giá trị ước tính của thương hiệu hiện chỉ còn 20 tỷ USD. Thông tin này được trang Platformer thu thập từ email nội bộ của Elon Musk gửi đến các nhân viên. Hiện nhà sáng lập Tesla này vẫn chưa nhắc đến chuyện có đưa cổ phiếu trở lại sàn hay không nhưng với tình hình kinh doanh bết bát hiện nay thì chẳng có nhà đầu tư hay nhân viên nào hài lòng nổi.
Chẳng ai tin
Tờ Vox cho biết đã phỏng vấn với hàng loạt giám đốc quảng cáo, cựu nhân viên Twitter cùng các chuyên gia trong ngành để kết luận mọi người không còn tin tưởng vào lời cam kết của Elon Musk nữa.
Phần lớn các giám đốc quảng cáo đều nhận định Twitter giờ đây đã trở thành mạng xã hội đầy rẫy những bài viết phân biệt chủng tộc, giới tính, mang yếu tố hận thù tiêu cực. Đây là điều mà các thương hiệu không muốn dính tới khi làm quảng cáo để bảo vệ hình ảnh của họ.
Trên thực tế, lời cam kết về một nền tảng tự do ngôn luận của Elon Musk đang trở thành trò cười khi không sống nổi nếu thiếu tiền từ doanh thu quảng cáo.
Thậm chí, việc ông chủ Elon Musk thường xuyên có những bài đăng gây tranh luận cũng khiến các nhãn hàng lo lắng vì sợ bị ảnh hưởng tiêu cực. Thế rồi các giám đốc cũng cho biết họ chẳng rõ ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu hình ảnh thương hiệu gặp vấn đề khi Elon Musk sa thải một loạt nhân viên của đội đảm bảo an toàn hình ảnh thương hiệu trên Twitter.
“Elon Musk không hiểu ngành quảng cáo trực tuyến hoạt động như thế nào. Tôi cho rằng ông ấy là một nhà khoa học công nghệ có thêm chút tính nghệ sĩ, trong khi ngành quảng cáo thì cần một nghệ sĩ trước rồi mới đến logic sau”, nhà sáng lập Lou Paskalis của hãng tư vấn AJL Advisory nhận định.
“Những gì tôi muốn nói với các nhãn hàng và những nhà quảng cáo là hãy dùng Twittre vì lợi ích của các bạn, hãy tin vào những gì bạn thấy trên Twitter chứ đừng đọc nó từ các bài báo. Bởi vì những gì bạn nhìn thấy bằng mắt trên Twitter mới là sự thật, còn các tờ báo thì không”, Elon Musk phản pháo.
Sự gấp gáp của Elon Musk cũng là có cơ sở khi xét cho cùng, Twitter mới là người cần các nhãn hàng chứ không phải ngược lại. Do vô số nền tảng khác như Facebook, Youtube, Instgram lớn hơn Twitter nên các nhãn hàng có thể cắt bớt ngân sách để tập trung cho các mạng xã hội lớn.
“Ngành quảng cáo này rất nhạy cảm. Nếu một nền tảng gặp vấn đề thì mọi người sẽ tạm dừng lại để chờ đợi xem tình hình thế nào đã”, một giám đốc nhãn hàng nói với tờ Vox.
Thế nhưng sau khi hoàn tất thương vụ, thay vì trấn an nhân viên và mọi người thì Elon Musk liên tiếp đưa ra những quyết định xáo trộn, từ sa thải hơn nửa nhân viên đến đảo lộn văn hóa làm việc, cấu trúc hoạt động của thương hiệu này.
“Tôi không biết nhân viên mà mình đàm phán có còn ngồi ở đó ngày mai hay tuần này nữa không. Niềm tin là một loại ‘tiền tệ’ cực kỳ quan trọng trong ngành quảng cáo. Và tôi thì không còn tin vào lời cam kết của Elon Musk nữa”, một giám đốc nhãn hàng khác nói với tờ Vox.
*Nguồn: Vox
Để lại một phản hồi