EU dọa tăng trừng phạt Belarus

“Belarus cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân sẽ đồng nghĩa một sự leo thang vô trách nhiệm và đe dọa an ninh châu Âu. Belarus vẫn có thể dừng điều này, đó là lựa chọn của họ. Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng áp thêm lệnh trừng phạt để đáp trả”, cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết ngày 26/3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 tuyên bố Moskva sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông chủ Điện Kremlin cho biết động thái này “không có gì bất thường” và Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ tại các quốc gia như Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Litva ngày 26/3 tuyên bố sẽ kêu gọi đưa thêm các biện pháp trừng phạt Nga và Belarus vào gói biện pháp đang được thảo luận tại Brussels. “Cùng với các đối tác châu Âu – Đại Tây Dương, Litva sẽ xác định cách phản ứng với những kế hoạch quân sự của Nga và Belarus”, Bộ Ngoại giao Litva cho biết.

Litva cho rằng việc Belarus hỗ trợ chiến dịch của Nga ở Ukraine và ngày càng tham gia vào các kế hoạch quân sự của Moskva là nguy cơ với khu vực Baltic.

Cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell phát biểu tại tòa nhà Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 19/3. Ảnh: AFP

Cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell phát biểu tại tòa nhà Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 19/3. Ảnh: AFP

Trợ lý của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cáo buộc lãnh đạo Nga “vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho rằng Nga “đang bắt Belarus làm con tin hạt nhân”.

Mỹ chưa thấy dấu hiệu nào của việc Nga di chuyển vũ khí hạt nhân, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói ngày 26/3. Trong khi đó, NATO chỉ trích Nga đưa ra các tuyên bố hạt nhân “nguy hiểm, vô trách nhiệm” và liên minh quân sự này đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Một quan chức ngoại giao Đức gọi động thái của Nga là “nỗ lực đe dọa hạt nhân” và Berlin “sẽ không đi chệch hướng” vì điều này. Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi Nga thu hồi “kế hoạch gây bất ổn” và thể hiện trách nhiệm của một cường quốc hạt nhân.

Belarus có đường biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine. Phương Tây đã áp nhiều vòng trừng phạt với Nga và Belarus để đáp trả, trong đó có loại một số ngân hàng khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế thương mại và trừng phạt loạt quan chức.

Vị trí của Belarus. Đồ họa: DW.

Vị trí của Belarus. Đồ họa: DW.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*