Hàn Quốc bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến

Theo kế hoạch được Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin công bố trong cuộc họp báo ở Seoul hôm nay, Hàn Quốc sẽ bồi thường cho lao động cưỡng bức thời Nhật Bản chiếm đóng 1910-1945 thông qua một quỹ do các công ty tư nhân tài trợ.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin chính phủ giấu tên nói rằng theo thỏa thuận giữa hai chính phủ, Seoul và Tokyo cũng đã đồng ý tạm thời thành lập “quỹ thanh niên tương lai” để tài trợ học bổng bằng tiền từ các công ty ở cả hai nước.

Ngoại trưởng Park nói rằng ông tin chính phủ Nhật sẽ không ngăn các công ty Nhật tự nguyện đóng góp cho quỹ bồi thường này. “Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ phản hồi tích cực về quyết định quan trọng hôm nay của chúng tôi bằng khoản đóng góp tự nguyện của các công ty Nhật Bản và lời xin lỗi toàn diện”, ông Park nói.

Nhật Bản hoan nghênh kế hoạch của Hàn Quốc. “Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao các biện pháp do chính phủ Hàn Quốc công bố hôm nay, như nỗ lực nhằm khôi phục mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc” sau nhiều năm căng thẳng, Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi nói với phóng viên.

Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo ngày 4/3 dẫn nguồn tin ngoại giao nước này nói rằng nếu Seoul đồng ý trả tiền bồi thường cho nạn nhân cưỡng bức lao động thời chiến thông quỹ do chính phủ hỗ trợ, Tokyo sẽ dỡ hạn chế với một số mặt hàng công nghệ xuất khẩu Hàn Quốc và đồng ý nối lại các chuyến thăm cấp cao.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 6/3. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 6/3. Ảnh: AFP.

Theo Ngoại trưởng Park, thỏa thuận mang tính bước ngoặt này là chìa khóa để cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul. “Hợp tác giữa Hàn Quốc – Nhật Bản rất quan trọng ở tất cả lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh, trong bối cảnh tình hình quốc tế nghiêm trọng và khủng hoảng toàn cầu phức tạp hiện nay”, ông nói. “Tôi tin rằng vòng luẩn quẩn nên được phá vỡ vì lợi ích của người dân ở cấp độ lợi ích quốc gia, hơn là để mặc mối quan hệ căng thẳng trong thời gian dài”.

Khi Hàn Quốc lần đầu đưa ra đề xuất bồi thường bằng quỹ đặc biệt này hồi tháng 1, một số nạn nhân và gia đình họ phản ứng dữ dội, vì nó không bao gồm khoản đóng góp từ các công ty Nhật Bản, trong đó có những công ty bị tòa Hàn Quốc yêu cầu bồi thường.

Khoảng chục người biểu tình khi ông Park thông báo kế hoạch. “Đó là chiến thắng hoàn toàn cho Nhật Bản, quốc gia từng tuyên bố không thể trả đồng nào cho vấn đề lao động cưỡng bức”, Lim Jae-sung, luật sư của một số nạn nhân, cho biết trong bài đăng trên Facebook hôm 5/3.

Tuy nhiên, ông Park nói rằng kế hoạch này được nhiều gia đình nạn nhân ủng hộ, đồng thời cho biết sẽ gặp tất cả nạn nhân bị ảnh hưởng để “tham khảo ý kiến của họ và chân thành mong họ thông cảm”.

Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản thân cận với Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng Mỹ đã thúc ép cả hai nước hòa giải, nhưng yếu tố chính thúc đẩy Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đưa ra kế hoạch trên là mối đe dọa địa chính trị từ Triều Tiên.

Theo dữ liệu từ Seoul, khoảng 780.000 người Hàn Quốc đã bị Nhật Bản cưỡng bức lao động trong 35 năm chiếm đóng bán đảo, chưa bao gồm những phụ nữ bị quân đội Nhật ép làm nô lệ tình dục.

Căng thẳng trong quan hệ Nhật – Hàn gia tăng sau khi tòa án Hàn Quốc năm 2018 yêu cầu hai công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị chiếm đóng.

Nhật bác cáo buộc, nói đây là vấn đề đã được giải quyết kể từ khi bình thường hóa quan hệ theo thỏa thuận năm 1965, theo đó hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao với gói bồi thường 800 triệu USD dưới dạng trợ cấp và các khoản vay lãi suất thấp. Để đáp trả phán quyết của tòa Hàn Quốc, năm 2019, Tokyo hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Seoul cần để sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện tử.

Người Hàn Quốc sau đó phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật, còn chính phủ nước này tháng 8 năm ngoái tuyên bố chấm dứt hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Nhật.

Nỗ lực hàn gắn quan hệ gần đây được đẩy mạnh dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol. Các công ty Hàn đóng góp cho quỹ bồi thường từng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ mà Nhật Bản cung cấp theo thỏa thuận năm 1965. Theo nguồn tin của Kyodo, Tokyo sẽ cho phép các doanh nghiệp trong nước tự nguyện đóng góp cho quỹ.

Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*