Huyết mạch kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc Trung Quốc

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moskva, Trung Quốc và Nga đã ký loạt thỏa thuận thương mại, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Những thỏa thuận này được cho là minh chứng cho hợp tác ngày càng khăng khít giữa hai nước, nhưng cũng thể hiện Trung Quốc đang giành ưu thế trong mối quan hệ với Nga, theo giới chuyên gia.

Kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra khiến Nga bị áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt và các công ty phương Tây lần lượt rời khỏi nước này, Moskva đã buộc phải chuyển hướng sang củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh nhằm giữ vững nền kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moskva hôm 21/3. Ảnh: AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moskva hôm 21/3. Ảnh: AFP

“Trung Quốc là huyết mạch giúp Nga duy trì nền kinh tế giữa sức ép trừng phạt chưa từng có của phương Tây”, Alexander Gabuev, chuyên gia tại Quỹ Carnegie Hòa bình Quốc tế, trụ sở ở Washington, Mỹ, bình luận.

Mỹ hồi đầu năm cho biết Trung Quốc có thể đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga, song Bắc Kinh phủ nhận. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 22/3 nói rằng đến thời điểm hiện tại Trung Quốc “vẫn chưa vượt qua lằn ranh đỏ” trong chuyển giao vũ khí cho Nga.

Nền kinh tế Nga và Trung Quốc phần lớn hỗ trợ lẫn nhau. Nga từ lâu đã cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng cho ngành sản xuất Trung Quốc, đồng thời nhập khẩu vật liệu bán dẫn, chip và các sản phẩm công nghệ từ nước này. Tổng giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng gần 30% trong năm ngoái lên 185 tỷ USD, do Nga chuyển hướng bán dầu thô sang Trung Quốc khi phương Tây quay lưng với năng lượng của Moskva.

Lợi nhuận từ việc bán nhiên liệu cho Trung Quốc giúp bù đắp đáng kể cho nền kinh tế Nga, khi doanh số xuất khẩu năng lượng sang châu Âu sụt giảm mạnh. Đây được cho là nguồn thu quan trọng giúp Moskva duy trì chiến dịch ở Ukraine.

Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy rất lớn trong quan hệ với Nga, theo bình luận viên Thomas Grove của WSJ.

Nga đang mong muốn bán nhiều khí đốt hơn cho Trung Quốc để thay thế các khách hàng truyền thống ở châu Âu. Muốn làm được điều này, họ phải thuyết phục Trung Quốc triển khai dự án Power of Siberia 2, đường ống thứ hai mang khí đốt Nga đến nước này.

Tại hội nghị thượng đỉnh hôm 21/3, Tổng thống Nga cho biết các cuộc thảo luận liên quan đến đường ống Power of Siberia 2 đang được xúc tiến, song Chủ tịch Trung Quốc hoàn toàn không đề cập tới vấn đề này. Giới quan sát cho rằng trong khi Nga tỏ ra rất gấp rút với dự án, Trung Quốc vẫn thể hiện sự bình thản, dấu hiệu cho thấy họ đang chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán.

“Trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay nổ ra, nếu Trung Quốc đưa ra nhiều đòi hỏi, Nga hoàn toàn có thể chuyển một phần dầu khí sang châu Âu”, Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Nga, tổ chức tư vấn có liên kết với Điện Kremlin, cho hay. “Bây giờ, Nga không còn nắm cơ hội như vậy và việc Moskva chỉ còn một khách hàng lớn duy nhất đã làm thay đổi mọi quy tắc thị trường”.

Sau cuộc hội đàm ở Điện Kremlin, hai lãnh đạo đã công bố một dự án đầu tư song phương trị giá 165 tỷ USD. Những khoản đầu tư này sẽ tiếp tục chuyển hướng các nguồn năng lượng của Nga sang Trung Quốc và có khả năng thúc đẩy Bắc Kinh rót thêm vốn vào những cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga, trong đó có một số cảng trọng điểm.

Tuy nhiên, phần lớn thông tin chi tiết về các thỏa thuận mới vẫn được giữ kín.

“Việc hợp tác trở nên bí mật hơn do nguy cơ các công ty Trung Quốc có thể phải chịu lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây”, Vasily Kashin, giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Đại học HSE, trụ sở tại Moskva, cho hay, thêm rằng các công ty Trung Quốc hoạt động nhiều trên phạm vi quốc tế có thể ngại đầu tư mới vào Nga, nhưng không ít công ty khác quy mô nhỏ hơn vẫn có khả năng bước vào để lấp đầy khoảng trống mà các doanh nghiệp phương Tây để lại.

Tổng thống Putin khuyến khích Trung Quốc thay thế các thương hiệu phương Tây và Nga đang tìm đến nhân dân tệ để thay thế USD, trở thành đồng ngoại tệ chính.

“Moskva sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc thế chỗ các công ty đã rời khỏi Nga”, ông Putin nói.

Với người tiêu dùng Nga, ôtô Trung Quốc đã được sản xuất tại một nhà máy trước đây thuộc hãng Renault của Pháp và giám đốc một nhà máy cũ thuộc tập đoàn Mercedes Benz cho hay họ có thể sẽ làm theo cách này.

Autostat, cơ quan thống kê về xe hơi có trụ sở tại Moskva, cho biết vào tháng một, 1/3 số đại lý ở Nga đã bán ôtô Trung Quốc, so với mức 22% hồi năm ngoái.

Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga các công nghệ lưỡng dụng, có thể sử dụng cho mục đích dân sự hoặc quân sự. Từ tháng 3 đến tháng 9/2022, giá trị xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc sang Nga đạt hơn 500 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với mức 200 triệu USD cùng kỳ năm 2021.

Bắc Kinh cũng hưởng nhiều lợi ích từ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moskva. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang tiếp cận một số thiết bị quân sự tiên tiến nhất do Nga sản xuất, như hệ thống phòng không và cảnh báo sớm, những thứ mà Nga vài năm trước chỉ dành riêng cho Ấn Độ, khách hàng quốc phòng hàng đầu của Nga.

Phần lớn dòng tiền của Trung Quốc đã đổ vào những ngành mà các công ty Nga không có thế mạnh như ôtô hay bán lẻ, cũng như các lĩnh vực cần lượng tiền lớn, như cơ sở hạ tầng.

Theo giới quan sát, trong nhiều năm, Nga đã tìm cách thúc đẩy hợp tác ngoại giao và quân sự với Trung Quốc như một cách để củng cố vị thế trước phương Tây. Nhưng Moskva đồng thời vẫn giữ thái độ thận trọng để không bị phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh.

Năm 2017, hai nước ra thông báo Tập đoàn Poly của Trung Quốc đã ký thỏa thuận đầu tư giúp cải tạo một cảng ở vùng Viễn Bắc Nga. Tuy nhiên, giới chức an ninh địa phương sau đó đã không phê chuẩn dự án, khiến kế hoạch bị hủy trong âm thầm, hai nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết. Người dân ở Siberia cũng phản ứng quyết liệt trước những thiệt hại về môi trường do các công ty Trung Quốc tại đây gây ra.

Chủ tịch Tập đã mời Tổng thống Putin đến Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường năm nay, nơi hai nước có thể thảo luận về các dự án đầu tư mới của Bắc Kinh vào Nga.

Khi Tổng thống Putin dự hội nghị Vành đai và Con đường năm 2019, ông đã không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào trong các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc. Năm nay, không rõ Moskva có chấp nhận để Bắc Kinh đổ tiền vào các dự án mới ở Nga hay không.

“Với ý chí chính trị hiện nay giữa hai nước, có vẻ như các dự án cũ sẽ có thêm động lực mới để hồi sinh”, chuyên gia Kashin từ Đại học HSE đánh giá.

Khi xung đột kéo dài và nền kinh tế Nga tiếp tục bị xói mòn bởi các lệnh trừng phạt, “Trung Quốc thậm chí có thể trở thành một đối tác còn rắn hơn châu Âu ở một số khía cạnh”, Kortunov thuộc Hội đồng các Vấn đề Quốc tế Nga, nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*