Kiến tạo không gian mới
Một trong 4 đột phá phát triển của tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn 2021 – 2030 là lấn biển theo định hướng sáng tạo. Điều này được nêu trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.
Dự thảo Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của quốc gia; trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ hướng biển.
Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống cao ở khu vực Tây Nam bộ, là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ, là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu…
Xuất phát từ lợi thế có mặt biển dài trên 200 km và bờ biển nông, Kiên Giang có tiềm năng tăng diện tích đất bằng cách lấn biển, tạo các điểm nhấn đô thị độc đáo và phát triển các công trình hạ tầng quan trọng đẳng cấp quốc tế.
Thời gian qua, tại Kiên Giang, các khu đô thị, khu dân cư và các khu lấn biển đã được xây dựng, tạo bộ mặt khang trang, sầm uất cho các đô thị.
“Định hướng sáng tạo” lấn biển của Kiên Giang là lấn biển theo đường vòng cung, hoặc đường dẫn ra đảo, chứ không đơn thuần lấn biển tịnh tiến. Lấn biển theo đường vòng cung, theo đơn vị tư vấn, là cách làm tương tự Dubai, qua đó giữ được nhiều không gian biển, tạo điểm nhấn cảnh quan sinh thái cho Kiên Giang.
Ngoài ra, Dự thảo Quy hoạch cũng đề ra định hướng xây dựng sân bay ở khu lấn biển Rạch Giá. Các địa phương lấn biển gồm TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, Kiên Hải. Trong đó, lấn biển và xây dựng các đảo nhân đạo ở Hà Tiên sẽ đáp ứng tiêu chuẩn để Hà Tiên đạt chuẩn đô thị loại II.
Lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường biển
Đồng tình với định hướng lấn biển của Kiên Giang, song PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường lưu ý, việc lấn biển có thể dẫn tới sự thay đổi của cả hệ sinh thái ở khu vực này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, quá trình lấn biển cần phải lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường, tránh để lại hậu quả cho hệ sinh thái ven bờ, chất lượng nguồn nước và hoạt động kinh tế biển của Kiên Giang.
Đặc biệt, việc thực hiện lấn biển còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với quy định của các luật có liên quan, phù hợp quy hoạch không gian biển quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, trong giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Kiên Giang đã lấn biển tại TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên được khoảng 300 ha. Trong khi đó, đề xuất lấn biển trong thời kỳ 2021 – 2030 có diện tích rất lớn, gần 4.600 ha. Vì vậy, cần thiết phải giải trình, làm rõ trong quy hoạch, việc lấn biển thực hiện ở những vị trí nào, diện tích bao nhiêu, nguồn đất, cát ở đâu để lấn biển và thực hiện lấn biển sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học ra sao…
Được biết, tại Dự thảo Quy hoạch, tỉnh Kiên Giang xác định việc phê duyệt các dự án lấn biển cần phải xem xét 4 vấn đề chính.
Thứ nhất, về nguyên tắc bảo vệ môi trường biển: có trách nhiệm và nghĩa vụ với môi trường, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện lấn biển, hạn chế thấp nhất tác động xấu tới môi trường.
Thứ hai, về yêu cầu bảo vệ môi trường biển: dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định, có phương pháp, giải pháp kỹ thuật, vật liệu lấn biển phù hợp, vật liệu lấn biển không chứa chất phóng xạ, tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.
Thứ ba, khu vực lấn biển phải nêu rõ vị trí, diện tích, ranh giới, tọa độ; hạn chế lấn biển tại các khu vực di sản thiên nhiên, vườn quốc gia, vườn di sản ASEAN, khu dự trữ thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn, rừng phòng hộ ven biển…
Thứ tư, việc lấn biển phải đảm bảo an ninh quốc phòng biển quốc gia.
Để lại một phản hồi