Theo thống kê, có 17 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần 27/3 – 31/3. Trong đó, 13 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu và 2 doanh nghiệp phát hành thêm.
Trong tuần này có khá nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt cao. Trong đó, tỷ lệ chi trả cao nhất lên đến 350% và thấp nhất là 1,5%.
Ngày 31/3 tới đây, CTCP Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (mã TCM) sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền với tỷ lệ 7%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 700 đồng.
Như vậy, với gần 81,95 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Dệt may Thành Công sẽ phải chi khoảng 57,37 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 30/3, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 14/4/2023.
Năm 2022, Công ty đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, đồng thời đặt mục tiêu doanh thu 4.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 253 tỷ đồng.
Công ty CP Logistics Portserco (mã PRC) sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 tỷ lệ 350%, tương đương một cổ phiếu được nhận 35.000 đồng).
Với 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PRC dự kiến sẽ chi cho đợt cổ tức lần này số tiền 42 tỉ đồng, gấp 3,5 lần vốn điều lệ. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 31/03/2023; Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 30/03/2023 và thời gian thực hiện là ngày 20/04/2023.
Việc chia cổ tức “khủng” lên đến 350% là điều khá bất ngờ bởi PRC chưa năm nào chi trả cổ tức quá 20% kể từ khi lên sàn năm 2010. Đến hiện nay, đây cũng là tỷ lệ cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt cao nhất trên sàn chứng khoán.
Trái chiều với thông tin chia cổ tức “khủng”, loạt lãnh đạo lại có động thái thoái bớt vốn tại doanh nghiệp.
Cụ thể, bà Âu Thị Mai Hoa – Thành viên Ban kiểm soát PRC vừa đăng ký bán toàn bộ 19.000 cổ phiếu PRC, chiếm 1,58% vốn theo phương thức thỏa thuận/khớp lệnh từ ngày 24/3 – 21/4/2023 nhằm giải quyết một số việc gia đình.
Tương tự, con bà Âu Thị Mai Hoa là Dương Thanh Phương cũng đăng ký bán hết 1.000 cổ phiếu, chiếm 0,08% vốn tại PRC; bà Mai Thị Trúc Huyền – thành viên BKS đăng ký bán hết 24.800 cổ phiếu, chiếm 2,07% vốn tại PRC, từ ngày 15/03/2023 đến ngày 12/04/2023, nhằm giải quyết việc gia đình.
Trong khi đó, ông Mai Văn Quang – Uỷ viên HĐQT đã bán thành công 51.100 CP, chiếm 4,26% vốn tại PRC từ ngày 10/03/2023 đến ngày 07/04/2023.
CTCP Dây cáp điện Việt Nam – Cadivi (mã CAV) thông báo 29/3/2023 sẽ là ngày chốt danh sách công đông tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2022 với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Ngày thanh toán là 14/4/2023.
Với 57,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Cadivi sẽ phải chi số tiền khoảng 115 tỷ đồng để hoàn tất đợt thanh toán cổ tức lần này. Trước đó hồi cuối tháng 10/2022, công ty cũng đã thực hiện chi trả cổ tức đợt 1 bằng tiền với tỷ lệ 20%.
Với việc CTCP Điện lực Gelex (Mã GEE – UPCoM) – công ty con của Tập đoàn Gelex (Mã GEX) đang nắm giữ 96,6% vốn góp, hơn 222 tỷ đồng đã về túi GEE sau 2 đợt trả cổ tức đã qua.
Công ty cổ phần Cảng Xanh VIP (mã VGR) đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, tương đương 3.000 đồng/cp. Với 63,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VGR dự chi khoản 190 tỷ đồng để thanh toán cổ tức năm 2022.
VGR là công ty con của Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) với tỷ lệ sở hữu 74,35% vốn điều lệ.Như vậy, VSC sẽ nhận khoản 141 tỷ đồng tiền cổ tức từ VGR. Trước đó, VGR cũng đã tạm ứng cổ tức cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 40%.
Để lại một phản hồi