Món đặc sản đánh đổi bằng máu ở Syria

Khu chợ ở Hama bày bán những chiếc túi chứa đầy nấm cục, món đặc sản theo mùa mà nhiều người Syria liều mạng để thu thập, bất chấp bom mìn và nguy cơ bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công.

“Mỗi ngày ra khỏi nhà, tôi đều trong tâm thế không biết mình có thể trở về với vợ con hay không”, Salha, 31 tuổi, nói khi đem bán số nấm cục mà anh thu nhặt cả tuần qua ở khu vực gần làng.

Một người bán hàng bày nấm cục trong chợ Raqa, miền bắc Syria, ngày 14/3. Ảnh: AFP

Một người bán hàng bày nấm cục trong chợ Raqqa, miền bắc Syria, ngày 14/3. Ảnh: AFP

Người đàn ông đầu quấn khăn keffiyeh lộ vẻ mệt mỏi với đôi mắt thâm quầng cho hay “chúng tôi mạo hiểm tính mạng để thu thập món nấm này, nhưng chúng tôi giờ không quan tâm đến mức độ nguy hiểm của nó nữa, chỉ muốn nuôi con”.

Từ tháng 2 tới tháng 4 là thời gian hàng trăm người Syria nghèo khổ đi tìm kiếm loại nấm đắt tiền ở vùng hoang mạc Badia rộng lớn, nơi vẫn còn đầy bom mìn sót lại sau chiến tranh và là địa điểm các tay súng tàn dư của IS ẩn náu. Hơn 130 người đã thiệt mạng khi tìm nấm cục trong mùa thu hái năm nay, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria.

Nổi tiếng vì chất lượng cao, nấm cục hoang mạc Syria thường được bán với giá cao tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá và kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng suốt 12 năm qua. Trong ngôi chợ ở thành phố Hama, thủ phủ tỉnh cùng tên, nấm cục có giá tới 25 USD/kg tùy kích cỡ và chất lượng, trong khi mức lương trung bình của người Syria là 18 USD/tháng.

“Chúng tôi kiếm được số tiền lớn trong hai tháng vụ mùa nấm cục, nhưng cũng phải đánh đổi bằng máu”, Salha nói, miệng cười đầy cay đắng.

Những cục nấm to nhỏ nằm trong giỏ, khay, túi, một số chất trong thùng nhựa bẩn hoặc rải ngay dưới đất.

“Đấu giá! Đấu giá”, một người bán hàng hét lên trong khi thương lái chen chúc xung quanh trả giá cho 50 kg nấm cục.

Omar al-Boush, người bán hàng, mở bán với giá khởi điểm 4,5 USD/kg và giá cả nhanh chóng tăng gần gấp đôi.

“Chúng tôi có những loại nấm cục phù hợp với tầng lớp trung lưu có thu nhập cao”, Boush, 52 tuổi, quấn khăn keffiyeh đỏ trắng quanh cổ, nói.

“Một số nhà thích ăn nấm cục hơn ăn thịt”, ông vừa nói vừa dùng ngón tay đầy đất nhặt những cục nấm lớn màu trắng đặt lên quầy hàng.

Người thu mua phân loại nấm cục trong khu chợ ở thành phố Hama ngày 6/3. Ảnh: AFP

Người thu mua phân loại nấm cục trong khu chợ ở thành phố Hama ngày 6/3. Ảnh: AFP

Các loại nấm cục được thu hái trong hoang mạc trải dài từ miền trung Syria tới biên giới phía đông gần Iraq. Những người bán hàng cho hay nấm cục đen ở tỉnh Hama và Aleppo có giá cao nhất.

Jamaleddine Dakak, thương lái đến từ Damascus, cho biết một số người buôn nấm cục chất lượng cao và xuất khẩu sang nước láng giềng Iraq, Lebanon, trong khi số khác buôn lậu tới những quốc gia vùng Vịnh giàu có qua ngả Jordan.

Ngồi sau quầy hàng, Yusuf Safaf cho hay ông mua nấm cục từ những người thu hái tới Hama vào buổi sáng, một số người vẫn còn máu dính trên quần áo.

“Có người mất thân nhân khi đang hái nấm cục, nhưng họ vẫn làm vì không còn lựa chọn nào khác”, người đàn ông 43 tuổi nói. “Người ta hy sinh mạng sống để nuôi bản thân”.

Truyền thông Syria liên tục cảnh báo về mối nguy hiểm của hoạt động thu hái nấm cục, nhưng nhiều người phớt lờ. Trong một bản tin hồi đầu tháng, giới chức quân sự Syria cảnh báo người dân không nên săn lùng nấm cục “vì một số khu vực vẫn chưa an toàn” trước nguy cơ trúng bom mìn và bị IS tấn công.

Jihad al-Abdullah, 30 tuổi, cụt chân vì một quả mìn phát nổ khi đang lái xe đi hái nấm cục ở phía đông Hama. Bây giờ anh phải chống nạng, nhưng vẫn thỉnh thoảng ra ngoài nhặt nấm và mùa vụ năm nay, dành phần lớn thời gian đem bán nấm cục mà anh em trong nhà hái được.

“Tôi không còn gì để mất sau khi cụt chân”, Abdullah nói, nằm trên mặt đất gần gian hàng. “Tôi tiếp tục công việc để kiếm sống. Phần còn lại dựa vào ý Thượng đế”.

Thương nhân giới thiệu hàng cho khách tại chợ Hama, ngày 6/3. Ảnh: AFP

Thương nhân giới thiệu nấm cục cho khách tại chợ Hama, ngày 6/3. Ảnh: AFP

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 10 triệu người khắp Syria sống trong các khu vực có nguy cơ trúng bom mìn. Các phe phái trong cuộc xung đột đã gài bom mìn trên các cánh đồng, ven đường, thậm chí trong các tòa nhà. Những trận giao tranh đẫm máu đã khiến 15.000 người chết từ năm 2015 tới 2022.

Abdullah cho hay thu hái nấm cục giống như chơi bài. “Có lúc thắng lúc thua, nhưng đây là canh bạc mà tôi chấp nhận đánh cuộc”, anh nói.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*