Nga cáo buộc biểu tình Gruzia là ‘âm mưu đảo chính’

“Rõ ràng dự luật liên quan các tổ chức phi chính phủ được dùng làm cái cớ để bắt đầu nỗ lực nhằm thay đổi chính phủ Gruzia bằng vũ lực”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 10/3 cho biết.

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng các cuộc biểu tình đang nổ ra ở Gruzia và Moldova, nhưng phương Tây có cách tiếp cận khác nhau với những sự kiện này.

Theo ông, các cuộc biểu tình tại Gruzia “được dàn dựng từ nước ngoài với mục đích gây căng thẳng ở biên giới Nga” và phe đối lập ở Gruzia “được phép làm bất cứ điều gì họ muốn vì lợi ích của phương Tây”. Trong khi đó, biểu tình của phe đối lập ở Moldova bị lên án vì “đi ngược lại lợi ích của phương Tây”.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng “có bàn tay hữu hình” cố gắng thêm các yếu tố chống Nga vào biểu tình tại Gruzia. “Chính quyền Gruzia khởi xướng xem xét dự luật tương tự Đạo luật Đăng ký Đặc vụ Nước ngoài của Mỹ. Nga không liên quan đến dự luật này”, ông Peskov nói.

Người biểu tình Gruzia trên đường phố ở thủ đô Tbilisi ngày 8/3. Ảnh: AP.

Người biểu tình Gruzia trên đường phố ở thủ đô Tbilisi ngày 8/3. Ảnh: AP.

Cùng ngày, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết thông tin tình báo cho thấy nhiều người, một số có liên hệ với tình báo Nga, đang tìm cách dàn dựng biểu tình tại Moldova như cái cớ “kích động nổi dậy” chống chính phủ thân phương Tây tại nước này.

“Khi Moldova tiếp tục hội nhập với châu Âu, chúng tôi cho rằng Nga đang theo đuổi lựa chọn làm suy yếu chính phủ nước này, có lẽ nhằm mục tiêu cuối cùng là một chính quyền thân thiện với Nga hơn ở Moldova”, ông Kirby nói.

Gruzia, Moldova chưa bình luận về nhận định của Ngoại trưởng Nga và cố vấn an ninh Mỹ.

Hàng chục nghìn người Gruzia ngày 8/3 đổ về trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Tbilisi vào ngày 8/3, cho rằng dự luật kiểm soát các tổ chức phi chính phủ và truyền thông thuộc diện “đặc vụ nước ngoài” nếu được thông qua sẽ làm giảm khả năng nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia ngày 9/3 thông báo rút dự luật nhằm giảm không khí đối đầu, đồng thời cáo buộc phe đối lập “lan truyền thông tin cực đoan”. Trong khi đó, các đảng đối lập tại Gruzia tuyên bố tiếp tục biểu tình vì cho rằng “chưa có gì đảm bảo Gruzia chắc chắn đi theo đường lối thân phương Tây”.

Tại Moldova, nhóm Phong trào Nhân dân với hỗ trợ từ đảng Shor đối lập những tuần qua tổ chức một số cuộc biểu tình phản đối chính phủ thân phương Tây tại thủ đô Chisinau. Đảng Shor từng tổ chức loạt cuộc biểu tình vào mùa thu năm ngoái, khiến Moldova rung chuyển trong lúc vật lộn đối phó khủng hoảng năng lượng.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, TASS, AP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*