Nga muốn tăng gấp đôi sản lượng tên lửa dẫn đường

“Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật Nga (KRTV) đang giải quyết hàng loạt vấn đề khổng lồ liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt. Đã có nhiều tổ hợp vũ khí được xuất xưởng trong thời gian ngắn, nhiều đơn hàng của quân đội được hoàn thành nhanh chóng”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói trong chuyến thị sát nhà máy của KTRV ở ngoại ô thủ đô Moskva hôm 14/3.

Tuy nhiên, ông Shoigu chưa hoàn toàn hài lòng, cho hay Bộ Quốc phòng Nga muốn đặt mục tiêu tham vọng hơn cho KRTV là tăng gấp đôi sản lượng vũ khí dẫn đường chính xác cao so với hiện nay.

“Các vị có thể làm được điều đó, mọi thứ đã được chuẩn bị, từ đội ngũ kỹ thuật viên trình độ cao đến năng lực sản xuất của nhà máy. Vấn đề chủ yếu hiện nay là tăng năng suất lao động và giảm chi phí”, tướng Shoigu nói.

Bộ trưởng Shoigu (đi giữa hàng đầu) thị sát nhà máy của KTRV ở ngoại ô Moskva hôm 13/3. Ảnh: Ria Novosti.

Bộ trưởng Shoigu (đi giữa hàng đầu) thị sát nhà máy của KTRV ở ngoại ô Moskva hôm 13/3. Ảnh: Ria Novosti.

KTRV là một trong những tập đoàn quốc phòng lớn nhất của Nga, tập hợp hàng loạt viện nghiên cứu, công ty và nhà máy trong lĩnh vực tên lửa. Đây là doanh nghiệp chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn vũ khí dẫn đường trong biên chế quân đội Nga, gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình đối đất, đối không, chống hạm và diệt radar, cũng như bom lượn và ngư lôi.

Trong hơn một năm chiến sự, quan chức Ukraine và phương Tây nhiều lần nhận định kho vũ khí Nga, trong đó có tên lửa dẫn đường, sắp cạn kiệt do tần suất sử dụng cao. Tuy nhiên, lực lượng Nga tới nay vẫn duy trì các cuộc tập kích tên lửa và vũ khí chính xác cao vào Ukraine, với gần 100 tên lửa tầm xa mỗi lần.

Linh kiện từ các tên lửa hành trình Kh-101 phóng vào Ukraine cho thấy dây chuyền sản xuất của Nga vẫn được duy trì, bất chấp loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

John Hardie, phó giám đốc chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (FDD) ở Washington, nhận định tốc độ xuất xưởng tên lửa Kh-101 của Nga hiện nay còn cao hơn trước khi xung đột bùng phát, cảnh báo điều tương tự cũng có thể diễn ra với nhiều loại vũ khí khác.

Tập đoàn Saturn, nhà sản xuất động cơ cho Kh-101 và hàng loạt tên lửa Nga, hồi năm ngoái thông báo tuyển thêm 500 nhân viên để mở rộng sản xuất.

Novator, hãng sản xuất tên lửa cho hệ thống Iskander, Buk, Kalibr và nhiều tên lửa dùng trên tàu chiến, thông báo đã nhận thêm ngân sách và cho công nhân làm việc ba ca mỗi ngày. Nhà máy Votkinsk chuyên sản xuất tên lửa đạn đạo cho hệ thống Iskander-M, RS-24 Yars và RSM-56 Bulava năm ngoái cũng thông báo tăng sản lượng khí tài.

Vũ Anh (Theo Ria Novosti, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*