Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

“Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Từ lâu họ đã đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các đồng minh”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ngày 25/3, giải thích động thái triển khai vũ khí của Moskva ở Belarus “không có gì bất thường”.

Lãnh đạo Nga thêm rằng ông đã trao đổi vấn đề này từ lâu với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và “chúng tôi đã nhất trí thực hiện”. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.

Ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga đã triển khai 10 máy bay ở Belarus có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Moskva cũng đã chuyển giao cho Minsk một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng phóng vũ khí hạt nhân.

Moskva sẽ bắt đầu quá trình huấn luyện sử dụng từ ngày 3/4 và dự kiến hoàn thành xây dựng kho lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào ngày 1/7.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 23/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 23/2. Ảnh: Reuters

Belarus có đường biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine. Hồi tháng 1, hai quốc gia tăng cường huấn luyện quân sự chung. Ukraine nói rằng họ không thể loại trừ khả năng Belarus tấn công nước này. Tuy nhiên, ông Lukashenko nhiều lần nhấn mạnh quân đội Belarus không tham gia chiến dịch của Nga ở Ukraine.

Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ bình luận rằng Moskva và Minsk đã thảo luận về chuyển giao vũ khí hạt nhân trong một thời gian dài. “Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết thực thi chính sách phòng vệ tập thể của NATO”, quan chức này nói.

Vị trí Belarus. Đồ họa: DW.

Vị trí của Belarus. Đồ họa: DW.

Ngoài ra, ông Putin tuyên bố Nga sẽ triển khai đạn uranium nghèo ở Ukraine nếu Kiev nhận được loại vũ khí này từ phương Tây. Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie ngày 21/3 cho biết trong số đạn dành cho xe tăng chủ lực Challenger 2 sẽ chuyển cho Ukraine có đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo.

“Nga tất nhiên có những gì cần thiết để đáp trả. Chúng tôi có hàng trăm nghìn quả đạn pháo như vậy chưa sử dụng”, ông Putin nói.

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium để sử dụng làm nhiên liệu và vũ khí hạt nhân, có ít tính phóng xạ hơn so với kim loại này trong tự nhiên nhưng gây lo ngại về độc tính. Uranium nghèo thường được dùng làm đạn xuyên giáp do có mật độ cao hơn 70% so với chì. Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây rủi ro sức khỏe với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.

Tổng thống Putin tháng trước tuyên bố đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn Mỹ và Nga, làm dấy lên nhiều lo ngại về rủi ro đối đầu hạt nhân.

Quan chức Nga nhiều lần khẳng định Moskva sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này đối mặt “mối đe dọa tồn vong”. Trong khi đó, Mỹ khẳng định vũ khí hạt nhân chỉ nên được sử dụng trong “những trường hợp cực đoan”.

Thanh Tâm (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*