Người Nga đổ xô học tiếng Trung Quốc

Khi Nga tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây không ngừng gia tăng vì cuộc xung đột ở Ukraine, số lượng học viên của Burobin đã tăng gấp ba lần trong năm qua.

“Chủ nhật là ngày bận rộn nhất”, Burobin, 20 tuổi, cho hay. “Tôi dạy trực tuyến tới 16 tiếng mà không có giờ nghỉ giải lao”.

Nhu cầu học tiếng Trung bùng nổ là bằng chứng cho thấy Nga đang dần xoay trục sang châu Á khi những mối hợp tác với phương Tây đóng lại, giới quan sát đánh giá.

Một lớp học tiếng Trung cho người lớn tại trung tâm ngôn ngữ ChineseFirst. Ảnh: AFP.

Một lớp học tiếng Trung cho người lớn tại trung tâm ngôn ngữ ChineseFirst. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày mai bắt đầu chuyến thăm Nga với mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ “không giới hạn” giữa hai nước. Chịu sức ép từ hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, kinh tế và công nghệ của Nga đang trở nên ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Natalia Danina, quản lý của HeadHunter, công ty tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Nga, cho biết năm ngoái có gần 11.000 vị trí tuyển dụng yêu cầu biết tiếng Trung Quốc, tăng 44% so với năm 2021.

Theo Danina, trong cùng khoảng thời gian trên, số lượng việc làm cho người biết tiếng Trung ở Nga cũng tăng gấp đôi trong lĩnh vực bán hàng, vận tải và hậu cần. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng người biết tiếng Trung trong lĩnh vực năng lượng cũng tăng gấp ba lần.

Burobin, người cũng nghiên cứu về các nền văn minh phương Đông tại một trường đại học hàng đầu ở Moskva, nói rằng anh rất vui khi có thể giúp học viên của mình tìm hiểu thêm về “một thế giới hoàn toàn mới”.

“Người Nga đang đổ xô chuyển sang học tiếng Trung vì Bắc Kinh sẽ trở thành đối tác chính của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới”, anh nói. “Đây mới chỉ là khởi đầu”.

Tháng 8 năm ngoái, Avito, nền tảng quảng cáo trực tuyến hàng đầu của Nga, báo cáo rằng yêu cầu đối với các bài học tiếng Trung ở Moskva đã tăng 138% sau một năm. Tỷ lệ này ở thành phố miền đông Vladivostok là 350%.

Nhu cầu học tiếng Trung đang dần bắt kịp tiếng Anh. Alina Khamlova, 26 tuổi, giáo viên dạy cả hai ngôn ngữ trên, cho biết năm nay, cô chỉ có 3 học viên tiếng Anh, so với 12 học viên tiếng Trung.

Một trong những học viên của cô là Maria, nhà thiết kế 22 tuổi, mơ ước được đến Trung Quốc để phát triển sự nghiệp vì mọi thứ “rẻ hơn ở Nga”. Một học viên khác là huấn luyện viên thể dục 25 tuổi, Ivan, muốn làm việc ở Trung Quốc vì người châu Âu “được trả lương rất cao” tại đây.

Khamlova cũng cho biết thêm rằng nhiều thanh niên ở Nga đang hy vọng được học tại các trường đại học Trung Quốc khi nhiều cơ sở giáo dục châu Âu đã “ngoài tầm tiếp cận của họ”.

Dù tiếng Anh vẫn giữ vị trí hàng đầu, số học sinh trung học chọn tiếng Trung làm ngoại ngữ trong kỳ thi cuối cấp đã tăng gấp đôi sau một năm lên 17.000 người, theo cơ quan giám sát giáo dục nhà nước Nga Rosobrnadzor.

Tình trạng cô lập ngày càng tăng giữa Nga với phương Tây đã khiến nhiều trường đào tạo ngôn ngữ sửa đổi chương trình giảng dạy và mời giáo viên dạy tiếng Trung Quốc.

Thành lập vào năm 2017, trung tâm ngôn ngữ ChineseFirst đã tiếp nhận số lượng học viên đăng ký tăng gấp đôi trong năm nay, Wang Yinyu, 38 tuổi, và vợ anh, Natalia, 33 tuổi, hai người sáng lập trung tâm, cho hay.

Công việc kinh doanh của gia đình Wang đang phát đạt và anh có kế hoạch mở hai chi nhánh mới cùng một trường mẫu giáo ở Moskva.

“Nhiều công ty Nga đã đổ xô đến các nhà máy Trung Quốc để đặt những mặt hàng không có sẵn do lệnh trừng phạt”, anh nói. Và các doanh nhân Trung Quốc, những người rất quan tâm đến việc xuất khẩu sang Nga, cũng đang lùng sục nhân viên song ngữ.

Wang rất vui vì quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang trở nên gần gũi hơn. “Trung Quốc có ngành công nghiệp hùng mạnh và Nga giàu tài nguyên, điều đó có nghĩa là hai nước chúng ta có thể dựa vào nhau để xây dựng nền kinh tế của riêng mình”, anh nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*