Chuyển ngược về Trung Quốc
Năm 2019 Adam và Amy Fazackerley, chủ công ty Lay-n-Go LLC, đã chuyển nơi sản xuất túi rút đựng mỹ phẩm từ Trung Quốc sang Campuchia sau khi Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế nhưng giờ đây họ lại buộc phải chuyển ngược lại.
Nguyên do là bởi Mỹ vẫn chưa gia hạn thỏa thuận thương mại đối với các nước đang phát triển. Hiện nay hàng hóa mà Fazackerley nhập về từ Campuchia cũng bị đánh thuế, khiến lợi nhuận cho Lay-n-Go LLC bị sụt giảm.
Chi phí vận chuyển rẻ hơn và năng lực sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn của Trung Quốc vốn không có đối thủ. Chính vì những điều này mà Fazackerley không thể không quay lại với Trung Quốc.
“Chúng tôi là một doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi cố gắng không phàn nàn, mà chỉ tìm cách thích nghi”, Fazackerley cho biết. Khi chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc, Fazackerley tin rằng họ đang làm điều mà chính quyền Mỹ mong muốn. “Và họ đã bỏ rơi chúng tôi”.
Trung Quốc vốn không có đối thủ khi nói tới năng lực sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn. Ảnh: WSJ
Sai lầm có thể tránh khỏi?
Việc Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP) hết hạn vào tháng 12/2020 đồng nghĩa với việc hơn 100 quốc gia mất đi cơ chế miễn thuế đối với hàng nghìn loại hàng hóa vào thị trường Mỹ, từ túi du lịch, trang sức cho tới phụ tùng ô tô.
Chương trình này đã nhiều lần hết hạn kể từ khi có hiệu lực năm 1975 nhưng thường được gia hạn nhanh chóng. Lần này, quá trình gia hạn bị kéo dài và trở nên phức tạp do tranh cãi xung quanh việc làm sao để quyết định nước nào nên được hưởng lợi từ GSP, và rào cản quy trình liên quan tới bất đồng trong Quốc hội Mỹ về thương mại và Trung Quốc.
Đối với tổng thể nền kinh tế Mỹ, điều này không có gì đáng chú ý bởi nó chỉ chiếm một phần trăm ít ỏi (dưới 1%) lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Nhưng đối với một số doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với chi phí gia tăng và những lựa chọn khó khăn về nơi sản xuất.
Hơn nữa, theo các chuyên gia thương mại, thất bại trong nỗ lực gia hạn GSP là một sai lầm có thể tránh được trong chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới quá trình đầu tư ở các nước đang có triển vọng trở thành phương án sản xuất thay thế Trung Quốc.
“Nếu bạn muốn người ta rời khỏi Trung Quốc thì đừng tăng thuế ở tất cả các nước đối thủ với Trung Quốc”, Dan Anthony, giám đốc của công ty tư vấn kinh tế Trade Partnership Worldwide nói.
GSP là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất và lâu đời nhất của nước Mỹ, được phát triển vào những năm 1970 với mục tiêu nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế bằng cách loại bỏ thuế quan đốivới hàng hóa sản xuất ở các nước đang phát triển.
Khi GSP hết hạn, hàng hóa từ 119 nước và vùng lãnh thổ đang phát triển gồm Thái Lan, Brazil, Philippines, Indonesia và Campuchia – vốn được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu – đều phải chịu thuế.
Các nhà nhập khẩu Mỹ buộc phải lựa chọn giữa việc tăng giá cho người tiêu dùng, chấp nhận thiệt thòi lợi nhuận hoặc tìm nơi khác rẻ hơn để sản xuất.
Và với nhiều công ty Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc quay trở lại Trung Quốc.
Đối với gia đình Fazackerley, việc GSP hết hạn xảy ra ngay sau khi công việc kinh doanh bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Công ty phải từ chối nhiều hợp đồng béo bở vì không chắc có thể giao hàng cho khách.
Năm 2022, Lay-n-Go đã đặt một loạt đơn hàng lớn với các nhà cung cấp ở Trung Quốc mà công ty đã làm việc trước đây. Mặc dù phải chịu thêm 25% phụ phí để đưa sản phẩm tư Trung Quốc vào Mỹ, cao hơn so với mức thuế tiêu chuẩn 17% mà công ty phải trả khi nhập hàng từ Campuchia, nhưng Lay-n-Go vẫn chấp nhận.
Fazackerley cho biết, các nhà máy Trung Quốc vẫn dễ xác định và tính toán hơn về mặt giá cả lẫn vận chuyển.
Để lại một phản hồi