Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Luch là nơi sinh sống của 935 người nhưng giờ hầu hết đã rời đi. Svitlana Gynzhul, 55 tuổi, là một trong số những người vẫn bám trụ. Ngôi làng cách Kherson khoảng 40 km, đã bị pháo kích dữ dội từ đầu cuộc chiến vì nó nằm gần tiền tuyến.
Người dân đã kéo xuống các boong-ke để trú ẩn. “Khi đạn pháo bay trên đầu, chúng tôi được an toàn và thoải mái ở dưới boong-ke. Bây giờ, chúng tôi vẫn sống ở đây”, Gynzhul nói trong một cuộc phỏng vấn tuần qua.
Các boong-ke tại làng Luch được xây dựng từ những năm 1950 để bảo vệ binh lính Liên Xô trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân với phương Tây. Chúng từng có cửa kim loại nặng, giường tầng và mặt nạ phòng độc, nhưng tất cả đều đã bị mất từ trước khi xung đột nổ ra vào mùa xuân năm ngoái. Không ai nghĩ những hầm trú ẩn này sẽ lại được sử dụng.
“Ngay từ ngày đầu tiên chiến sự nổ ra chúng tôi đã bắt tay vào dọn dẹp hầm tránh bom. Thật tốt vì chúng tôi đã làm điều đó, bởi vào ngày 24/2 năm ngoái, khoảng 23h, một quả đạn pháo đã phát nổ trong làng của chúng tôi”, Gynzhul nhớ lại.
Trong những tháng đầu chiến sự, do địa hình đồi núi, Luch là địa điểm chiến lược của quân đội Ukraine. Trong thời gian Nga bao vây khu vực, Gynzhul cho biết bà theo dõi các hoạt động di chuyển của quân đội đối phương từ trên cao và báo lại vị trí cho lực lượng Ukraine.
Giao tranh đã khiến ngôi làng bị tàn phá nặng nề. Ban đầu dân làng chỉ dùng boong-ke làm nơi trú ẩn tạm thời nhưng khi không còn nơi nào để đi, Gynzhul và những người khác quyết định coi nơi này như nhà mình. Gynzhul chuyển đến sống hẳn dưới boong-ke cùng chồng và con trai hồi tháng 8 năm ngoái sau khi căn hộ của gia đình bị trúng bom.
30 trong 50 cư dân của Luch đang sống chung dưới lòng đất trong hai boong-ke và một tầng hầm. Đây cũng là cách để họ chăm sóc lẫn nhau.
Hầm bê tông mà Gynzhul sống có lối vào thông qua cánh cửa trên đồi cỏ và một cầu thang dốc. Dân làng đã kết nối boong-ke với đường điện. Họ xây bếp củi để giữ ấm và dùng máy bơm để hút nước. Những chiếc giường và ghế được kê sát nhau. “Chúng tôi làm cho nơi đây giống như một căn nhà bình thường. Tôi đau đớn khi chứng kiến mọi thứ bị phá hủy”, bà chia sẻ.
Gynzhul duy trì cuộc sống nhờ viện trợ nhân đạo và tiền lương từ công việc hành chính của bà trong làng, 109 USD mỗi tháng. Sống cùng vợ chồng bà dưới hầm còn có ba người khác.
Sau khi Ukraine giành lại thành phố Kherson hồi tháng 11 năm ngoái, nhiều người sơ tán đã trở về nhà. Chuỗi đòn phản công đã khích lệ tinh thần của cả nước và chính phủ bắt đầu công cuộc sửa chữa cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Một số người nói cuộc sống đang trở lại bình thường.
Nhưng ngay cả sau khi quân Nga rút khỏi Kherson và Mykolaiv, các khu dân cư trong vùng vẫn chưa hoàn toàn lắng tiếng bom. Moskva vẫn kiểm soát một phần Kherson và vùng lân cận Zaporizhzhia để giữ cầu nối đất liền tới Crimea. Nguy hiểm vẫn rình rập nhưng Gynzhul khẳng định bà sẽ không đi đâu hết, kiên quyết bám trụ lại làng Luch.
Gynzhul cho hay con trai bà sắp được điều động tới Bakhmut, miền đông đất nước, để chiến đấu. Giới chức Ukraine nói rằng giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại thành phố này. “Cường độ giao tranh ngày càng gia tăng”, Tổng thống Volodymyr Zelensky mô tả trong bài phát biểu đêm 28/2.
Ngày đầu tiên của tháng 3 được người Ukraine coi là thời điểm kết thúc mùa đông và bước sang mùa xuân. Hôm 1/3, nhiều người ca ngợi việc đất nước vượt qua mùa đông chiến sự khắc nghiệt là một thắng lợi mang tính biểu tượng.
Gynzhul cũng tràn đầy hy vọng. “Tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào việc chúng tôi có thể làm gì để biến nơi mình sống trở nên tốt đẹp hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để được sống trong một ngôi làng có hoa, nhà cửa sạch sẽ và cây cối xanh tươi trở lại. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, bà chia sẻ.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Reuters)
Để lại một phản hồi