Vài giờ sau khi ông Tập Cận Bình được quốc hội bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba ngày 10/3, chính phủ Trung Quốc chủ trì buổi ký kết thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Arab Saudi và Iran.
Nỗ lực ngoại giao giúp hai “kình địch” ngồi lại với nhau này đã giúp tăng thêm uy tín cho ông Tập trên trường quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc vừa đề xuất kế hoạch làm trung gian đàm phán hòa bình cho Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột.
Nỗ lực ngoại giao này đã đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình trên vũ đài chính trị quốc tế, sau khi ông chấm dứt gần ba năm đóng cửa với thế giới vì đại dịch bằng cuộc gặp với lãnh đạo các nước tại hội nghị G20 ở Bali hồi tháng 11 năm ngoái.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Biden tại Bali, ông Tập cho rằng các lãnh đạo nhà nước cần “suy nghĩ và biết cách chung sống với các quốc gia khác, cũng như với cả thế giới”. Sau cuộc gặp, hai lãnh đạo nhất trí nhiều biện pháp cải thiện quan hệ, trong đó có chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken.
Nhưng nỗ lực đó bị chệch hướng sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu nghi là thiết bị do thám của Trung Quốc vào đầu tháng 2, khiến căng thẳng song phương leo thang. Ông Blinken hủy chuyến thăm, trong khi Mỹ tăng cường nỗ lực ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến và cảnh báo Bắc Kinh về rủi ro nếu cung cấp vũ khí cho Nga.
Dù Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ, những cáo buộc của Mỹ đã phần nào làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc tự khắc họa mình là một bên trung lập có thể làm cầu nối hòa bình cho xung đột Nga – Ukraine.
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận giữa Arab Saudi và Iran đã góp phần giúp ông Tập thay đổi ấn tượng về Trung Quốc. Ngoài thể hiện vai trò kiến tạo hòa bình của Bắc Kinh, thỏa thuận còn làm suy yếu nỗ lực cô lập Trung Quốc của Mỹ, cũng như xua tan ấn tượng rằng Bắc Kinh đưa ra đề xuất hòa bình chỉ để “ủng hộ Moskva”, theo giới phân tích.
“Nếu thỏa thuận được Arab Saudi và Iran ký kết ở Bắc Kinh có thể được thực hiện hành công, nó sẽ khiến cộng đồng quốc tế tăng kỳ vọng về vai trò của Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề thế giới. Nó cũng giúp củng cố sự tự tin của Trung Quốc”, Fan Hongda, giáo sư Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói.
Mỹ vẫn thể hiện sự hoài nghi với vai trò của Trung Quốc, dù tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận giữa Iran và Arab Saudi “bất kể động lực là gì hoặc ai ngồi vào bàn đàm phán”.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ những động thái của Trung Quốc khi họ tìm cách giành ảnh hưởng và vị thế quốc tế vì lợi ích riêng”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho hay.
Tuyên bố được Kirby đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang căng thẳng, trong đó có kế hoạch thăm Mỹ của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hay các đạo luật cấm TikTok mà quốc hội Mỹ đang xem xét.
Rorry Daniels, giám đốc điều hành tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, trụ sở ở New York, Mỹ, cho rằng Trung Quốc hiện nay không muốn đối đầu trực diện với Mỹ, mà thay vào đó tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở những nơi khác.
“Trung Quốc hiện có hai ưu tiên chính là giữ gìn môi trường quốc tế hòa bình để thúc đẩy thương mại và đầu tư, cũng như kiềm chế quan hệ Mỹ – Đài Loan”, Daniels nói.
Để thúc đẩy môi trường quốc tế hòa bình, Trung Quốc dường như đã phát huy vai trò chủ động hơn trong khủng hoảng Ukraine, điểm nóng lớn nhất hiện nay trên thế giới.
Sau khi Trung Quốc tháng trước công bố kế hoạch 12 điểm để chấm dứt xung đột Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng gặp ông Tập để thảo luận chi tiết về đề xuất.
Lãnh đạo nhiều nước khác cũng đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong chấm dứt khủng hoảng Ukraine, trong đó có Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ông dự kiến thăm Bắc Kinh trong vài tuần tới để thảo luận về nỗ lực hòa bình cho Ukraine.
Theo các nguồn tin, ông Tập đang lên kế hoạch thăm Moskva và gặp Tổng thống Putin, chuyến đi mà nhiều người cho rằng sẽ diễn ra vào tuần tới. Tại Moskva, ông dự kiến có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine Zelensky. Lãnh đạo Trung Quốc đã trao đổi với ông Putin bốn lần kể từ đầu cuộc xung đột, nhưng chưa nói chuyện với Tổng thống Ukraine.
Trung Quốc được cho là sở hữu đòn bẩy lớn có thể tác động tới Nga. Nước này chiếm 23% tổng giá trị thương mại của Nga trong quý III năm 2022, tăng từ mức 19% cùng kỳ năm trước.
Liệu ông Tập có thể giúp chấm dứt xung đột Ukraine theo cách mà phương Tây ủng hộ hay không là một câu hỏi lớn. “Dù còn nhiều hoài nghi, nỗ lực này cùng thỏa thuận Arab Saudi – Iran sẽ góp phần nâng tầm ảnh hưởng, vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế”, William Figueroa, chuyên gia tại Trung tâm Địa chính trị thuộc Đại học Cambridge, Anh, nhận định.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)
Để lại một phản hồi