“Với những gì đang xảy ra trong nền kinh tế của chúng ta, cùng những đề xuất liên quan đợt tăng thuế lớn nhất và ngớ ngẩn nhất lịch sử Mỹ, ông Joe Biden sẽ được ví là Herbert Hoover của thời hiện đại”, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 12/3.
Hoover là tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1929-1933, khi Đại khủng hoảng bắt đầu xảy ra ở nước này rồi lan ra thế giới. Các chính sách ứng phó khủng hoảng sau đó của ông Hoover không hiệu quả và ông bị ứng viên đảng Dân chủ Franklin Roosevelt đánh bại khi tái tranh cử.
“Chúng ta sẽ có một cuộc Đại khủng hoảng lớn hơn, ảnh hưởng mạnh hơn nhiều so với năm 1929. Bằng chứng là các ngân hàng đã bắt đầu sụp đổ”, ông Trump cho biết thêm.
Chính quyền Tổng thống Biden chưa bình luận về tuyên bố của ông Trump.
Ông Trump bình luận sau khi Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 Mỹ và chuyên cho vay các công ty khởi nghiệp, bị giới chức bang California đóng cửa hôm 10/3, sau vài ngày rơi vào rắc rối vì thiếu vốn. Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, sau Washington Mutual năm 2008.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng công kích chính quyền ông Biden, cho rằng sự sụp đổ của SVB là do chính sách của phe Dân chủ.
“Phe Dân chủ và chính quyền ông Biden cố gắng đổ lỗi cho ông Trump về những thất bại của họ như vụ khí cầu do thám Trung Quốc, tàu hỏa trật bánh ở East Palestine và bây giờ là sự sụp đổ của SVB”, Steven Chueng, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói với Fox News ngày 12/3.
Trong khi đó, Bernie Sanders, thượng nghị sĩ độc lập ủng hộ đảng Dân chủ, cho rằng một đạo luật được ông Trump ký ban hành khi đương nhiệm mới là nguyên nhân chính.
“Xin nói rõ, SVB sụp đổ là hệ quả trực tiếp từ dự luật bãi bỏ quy định với ngành ngân hàng năm 2018, mà tôi quyết liệt phản đối, được ông Trump ký thông qua”, ông Sanders nói, nhắc đến Đạo luật Tăng trưởng kinh tế, Giảm bớt quy định và Bảo vệ người tiêu dùng (EGRRCPA) hồi tháng 5/2018.
EGRRCPA được coi là bước lùi đáng kể của Đạo luật Cải cách và Bảo vệ người tiêu dùng Phố Wall (còn gọi là Đạo luật Dodd-Frank), do hai nghị sĩ Barney Frank và Chris Dodd đề xuất và được thông qua năm 2010 để quản lý hệ thống tài chính Mỹ hiệu quả hơn sau Đại suy thoái năm 2009.
Ông Trump khi đó cho rằng Đạo luật Dodd-Frank đang “bóp nghẹt cộng đồng ngân hàng và các liên minh tín dụng toàn quốc”. Với EGRRCPA mà ông ký duyệt, các ngân hàng nhỏ hơn được miễn trừ khỏi loạt quy định nghiêm ngặt, còn ngân hàng lớn được nới lỏng quy định. Đạo luật còn nâng ngưỡng tài sản để xác định “một tổ chức tài chính có vai trò quan trọng trong hệ thống” từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD.
SVB hiện đã chuyển quyền quản lý tài sản cho Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). Chính phủ Mỹ sau đó lên tiếng trấn an người dân, tuyên bố người gửi tiền tại SVB, kể cả các khoản lớn hơn 250.000 USD, mức không được bảo hiểm, sẽ được tiếp cận tiền của mình kể từ ngày 13/3.
Nhiều nhà phân tích tại Phố Wall cho rằng rắc rối của SVB không thể lan rộng trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ngày 12/3, một ngân hàng nữa ở Mỹ là Signature Bank, vốn quen thuộc với giới tiền điện tử, cũng đã bị chính quyền New York đóng cửa và chuyển giao tài sản cho FDIC.
Như Tâm (Theo Newsweek, Fox News)
Để lại một phản hồi