Phẫn nộ bao trùm Indonesia sau khi mất quyền đăng cai U20 World Cup

“Chúng tôi đã mong giải đấu sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau chưa ngoai về thảm kịch giẫm đạp ở Malang năm ngoái. Vậy mà giờ chỉ nhận được nỗi thất vọng”, Daffa, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại thủ đô Jakarta, nói với VnExpress.

Indonesia giành suất đăng cai giải U20 World Cup 2021, song giải đấu bị huỷ vì đại dịch Covid-19. Nước này được giữ quyền đăng cai U20 World Cup 2023, cho đến những diễn biến căng thẳng gần đây.

Hồi tháng 6/2022, Israel giành suất dự giải nhưng làn sóng biểu tình đã nổ ra ở Indonesia nhằm tẩy chay quốc gia Trung Đông. Lễ bốc thăm chia bảng VCK cũng bị hoãn. Tối 29/3, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) thông báo tước quyền đăng cai của Indonesia. Tại vòng loại U20 World Cup 2023, Indonesia dừng bước ngay vòng bảng nên không có suất đi tiếp.

“Chúng tôi đã hy sinh thời gian, tâm sức, mồ hôi, thậm chí cả máu, nhưng bỗng nhiên mọi thứ đổ sông đổ bể chỉ vì những lý do chính trị”, tiền đạo 19 tuổi Rabbani Tasnim Siddiq của đội tuyển U20 quốc gia viết trên Instagram.

Nỗi thất vọng của các cầu thủ và ban huấn luyện tuyển bóng đá U20 Indonesia sau quyết định của FIFA, tối 29/3. Ảnh: PSSI

Các cầu thủ và ban huấn luyện tuyển bóng đá U20 Indonesia thất vọng sau quyết định của FIFA, tối 29/3. Ảnh: PSSI

Sáng ngày 30/3, những vòng hoa đã xuất hiện bên ngoài trụ sở Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI). Có vòng hoa ghi nội dung “đừng từ bỏ giấc mơ của bạn”, nhưng cũng có các vòng ghi những phản ứng tiêu cực.

Một số cầu thủ U20 Indonesia đeo ruy băng đen lên tay áo khi tham dự chương trình truyền hình, như “một dấu hiệu ‘để tang’ cho những giấc mơ bị chôn vùi”.

“Chúng tôi sử dụng biểu tượng để tang cho việc Indonesia bị tước quyền đăng cai. Chúng tôi hy vọng những người ủng hộ có thể đeo ruy băng này”, cầu thủ Kadek nói.

Người dùng mạng xã hội Indonesia công kích các trang cá nhân của tỉnh trưởng Trung Java Ganjar Pranowo, ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, vì ông Pranowo phản đối Israel tham gia giải đấu.

Đầu tháng này, tỉnh trưởng Bali Wayan Koster cũng phản đối việc tiếp đón Israel tại tỉnh có đa số người theo đạo Hindu. Trên tài khoản Instagram của Koster, nhiều người chỉ trích ông “phá hủy giấc mơ quốc gia”.

“Ông sẽ làm gì với hàng trăm nghìn lao động địa phương đang ở vùng sâu vùng xa, mong đợi cơ hội làm việc? Indonesia mất rất nhiều cơ hội kinh tế đi kèm”, một người dùng chỉ trích. “Rất nhiều giấc mơ đã bị ông phá hủy, hãy nghĩ đến hàng tỷ Rupiah đã được đầu tư bị bỏ phí chỉ vì những quan điểm chính trị”, người khác viết.

“Đây là chuyện vô cùng đau xót đối với người dân Indonesia. Những ‘gã ồn ào’ khiến chúng tôi bị tước quyền đăng cai phải chịu trách nhiệm”, chuyên gia bóng đá Akmal Marhali nói.

Tuyển thủ U20 Indonesia Hugo Samir đeo ruy băng đen cho một người ủng hộ ngày 30/3. Ảnh: Tangsel Pos

Tuyển thủ U20 Indonesia Hugo Samir đeo ruy băng đen cho một người ủng hộ ngày 30/3. Ảnh: Tangsel Pos

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 30/3 bày tỏ nỗi thất vọng sau quyết định của FIFA, nhưng kêu gọi người dân, các cầu thủ và chính trị gia nước này “đừng lãng phí năng lượng để đổ lỗi cho nhau”. “Là một quốc gia lớn, chúng ta phải hướng về phía trước, không phải nhìn lại những thứ đã lùi về phía sau”, ông nói.

Giới chức Indonesia cho biết quyết định của FIFA có thể khiến nước này thiệt hại hàng trăm triệu USD. FIFA đe dọa sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt và có thể loại đội tuyển Indonesia khỏi vòng loại World Cup 2026 diễn ra vào tháng 10. Đội tuyển Indonesia từng bị FIFA cấm thi đấu quốc tế năm 2015 vì để chính phủ can thiệp vào bóng đá.

Trong khi ông Widodo yêu cầu lãnh đạo PSSI nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt, người hâm mộ bóng đá Indonesia cho biết việc mất quyền đăng cai một giải đấu bóng đá lớn đầu tiên của quốc gia này “mới là điều đau đớn nhất”.

“Tôi rất buồn và thất vọng, vì ước mơ của tôi là được một lần chứng kiến nước nhà đăng cai một sự kiện bóng đá toàn cầu”, Jarnawi, cổ động viên Indonesia 40 tuổi, nói.

“Chúng tôi đang nói về những thanh niên trẻ chỉ muốn đá bóng. Tại sao bóng đá luôn bị pha trộn mù quáng với chính trị?”, bình luận viên bóng đá Justin Lhaksana đặt câu hỏi.

Đức Trung (Theo AFP, Bola, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*