Ukraine thời gian qua liên tục kêu gọi phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt nhắm ngành năng lượng hạt nhân Nga. Kiev đã nhiều lần cáo buộc quân đội Nga tập kích hạ tầng năng lượng Ukraine, trong đó có đường dây cấp điện và trạm biến áp phục vụ các nhà máy điện hạt nhân.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã phê duyệt hai gói trừng phạt nhắm những cá nhân và tổ chức hỗ trợ Nga kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, trong đó sắc lệnh gần nhất được ký vào ngày 12/2.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko đầu tháng 3 chỉ trích Nga không phù hợp với vị thế đối tác năng lượng hạt nhân vì theo đuổi chiến thuật đe dọa an toàn phóng xạ trong cuộc chiến. Ông kêu gọi phương Tây áp lệnh trừng phạt với ngành hạt nhân Nga.
Mục tiêu chủ yếu của Ukraine là Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga và cũng là đơn vị đang quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Quân đội Nga kiểm soát cơ sở hạt nhân này từ đầu tháng 3/2022, hơn một tuần sau khi chiến sự bùng nổ. Kiev cáo buộc Moskva đã biến nơi này thành căn cứ quân sự phục vụ các đợt tập kích trong khu vực, do biết rõ lính Ukraine không dám phản kích trực diện vào nhà máy. Moskva luôn bác bỏ họ quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân và cáo buộc quân đội Ukraine đứng sau các vụ pháo kích đe dọa nhà máy.
Sau nhiều tháng để cho tập đoàn điện hạt nhân Ukraine Energoatom vận hành cơ sở này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 10/2022 ra sắc lệnh chuyển giao toàn bộ quyền kiểm soát nhà máy cho Rosatom, theo quyết định sáp nhập Zaporizhzhia cùng ba vùng Donetsk, Lugansk và Kherson vào lãnh thổ Nga.
Ukraine xem quyết định của Nga về sáp nhập 4 vùng lãnh thổ hồi cuối năm ngoái là vô giá trị, do đó cũng không chấp nhận quyền kiểm soát của Rosatom tại nhà máy.
Chính phủ Anh, đồng minh thân thiết của Ukraine, hồi tháng trước đơn phương áp lệnh trừng phạt với một số quản lý cấp cao và công ty con của Rosatom. Hồi giữa năm 2022, Phần Lan đã cắt hợp đồng hợp tác xây nhà máy điện hạt nhân với Nga nhằm phản đối chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên, áp lực từ các nước phương Tây nhắm vào ngành năng lượng hạt nhân Nga còn thiếu thống nhất hoặc không tạo tác động đáng kể.
Rosatom lẫn ngành hạt nhân Nga không xuất hiện trong gói trừng phạt thứ 10 được Liên minh châu Âu (EU) thông qua vào cuối tháng 2, do chưa đạt được đồng thuận nội khối về vấn đề này. Một số nước thành viên đã kêu gọi bổ sung ngành năng lượng hạt nhân Nga vào danh sách trừng phạt tiếp theo, trong đó nước vận động quyết liệt nhất là Ba Lan.
“Để châu Âu phát triển năng lượng hạt nhân, chúng ta cần đình chỉ Nga tham gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)”, Anna Moskwa, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan, phát biểu tại Croatia ngày 2/3. “Ba Lan cần chấm dứt mọi hình thức hợp tác hạt nhân với Nga, và châu Âu nên hành động tương tự. Gói trừng phạt tiếp theo phải bổ sung ngành hạt nhân”.
Trong khi đó, gói trừng phạt mới của Mỹ, công bố vào dịp tròn một năm chiến sự Ukraine, không nhắm đến các lãnh đạo cấp cao nhất của Rosatom hay áp lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu phóng xạ từ Nga. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/2 liệt kê 5 chủ thể liên quan năng lượng hạt nhân Nga bị đưa vào “danh sách đen” gồm hai công ty xây dựng cho Rosatom, viện nghiên cứu liên đới, công ty mới được Nga thành lập để quản lý nhà máy Zaporizhzhia (ZNPP) và tổng giám đốc ZNPP do Nga bổ nhiệm.
Giới chuyên gia nhận định Mỹ và nhiều nước phương Tây không muốn mạnh tay trừng phạt Rosatom, bởi Nga vẫn giữ vai trò quan trọng đối với bức tranh năng lượng hạt nhân khu vực lẫn thế giới.
Hợp tác nhiên liệu hạt nhân Nga – Mỹ bắt đầu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với chương trình quy đổi megaton – megawatt, trong đó Moskva chấp nhận tháo dỡ một số vũ khí hạt nhân và gửi nguyên liệu sang Mỹ để tái sử dụng trong lò phản ứng hạt nhân dân sự. Nguyên liệu phóng xạ từ vũ khí hạt nhân của Nga đã giúp Mỹ đáp ứng 10% nhu cầu điện quốc gia suốt hai thập kỷ, cho đến khi chương trình này chấm dứt vào năm 2013.
Hợp tác hạt nhân giữa hai nước sau đó vẫn được duy trì. Năm 2021, một năm trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ, nhập khẩu từ Nga vẫn chiếm 14% tổng nhập khẩu uranium của Mỹ, theo Washington Post.
Tập đoàn Rosatom không chỉ trực tiếp tham gia mua bán nhiên liệu hạt nhân, mà còn là trung gian mua lại uranium từ Kazakhstan để xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Gần 1/5 nhiên liệu phóng xạ của ngành điện hạt nhân châu Âu do Rosatom cung cấp. Nga còn dẫn đầu thế giới về năng lực làm giàu uranium, trong đó Rosatom là mảnh ghép trung tâm, giúp nước này đóng góp gần 50% năng lực toàn cầu. Tập đoàn này trong năm 2021 đáp ứng khoảng 28% nhu cầu về nguyên liệu hạt nhân của các đối tác Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá Rosatom vẫn nằm trong vùng an toàn trước áp lực của phương Tây vì chưa tổ chức nào đủ tầm ảnh hưởng để thay thế vai trò của tập đoàn này trong bức tranh năng lượng hạt nhân toàn cầu. Bất chấp căng thẳng chính trị và trừng phạt quốc tế phát sinh từ chiến sự Nga – Ukraine, Rosatom cuối năm 2022 công bố doanh thu từ nước ngoài vẫn tăng đều, cao hơn một năm trước khoảng 15%, theo Tổng giám đốc Aleksey Likhachev.
Tập đoàn của Nga đã tham gia xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới, trong đó không ít trường hợp họ bao thầu cả bước đầu tư tài chính và vận hành. Tính đến cuối năm 2021, số nhà máy điện hạt nhân của Nga hoặc do Nga xây dựng chiếm khoảng 1/5 tổng số nhà máy trên toàn cầu. Rosatom vẫn còn hợp đồng xây dựng thêm 15 nhà máy bên ngoài lãnh thổ Nga, theo Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia của Mỹ.
Kacper Szulecki, giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy, cho biết các dự án nhà máy điện hạt nhân luôn có chi phí xây dựng khổng lồ và thường chỉ chính phủ mới đủ khả năng đài thọ bằng tiền ngân sách. Trong nhiều trường hợp, Rosatom sẵn sàng đứng ra cho các nước vay tiền còn chính phủ Nga là bên bảo đảm, đồng thời đề xuất hợp đồng cung cấp nhiên liệu hạt nhân dài hạn hoặc giữ quyền vận hành sau khi xây xong. Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ là ví dụ điển hình cho mô hình này, khi Rosatom là bên bao thầu từ vốn, xây dựng đến vận hành trọn đời.
Các chuyên gia đánh giá phương Tây cần nhiều năm mới có thể tìm ra nguồn cung nhiên liệu và dịch vụ thay thế Rosatom trong thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu. Chính vì thực tế này mà Hungary đã kịch liệt phản đối mọi nỗ lực trừng phạt Rosatom ở các diễn đàn của EU. Điện hạt nhân đáp ứng hơn 40% nhu cầu điện ở Hungary và nước này còn ký hợp đồng vay vốn dài hạn với Rosatom cho một dự án hạt nhân dân sự mới.
“Sự phụ thuộc đan xen với các nước châu Âu trong lĩnh vực điện hạt nhân chính là ưu thế của Nga”, Paul Dorfman, cố vấn chính phủ và ngành năng lượng hạt nhân Anh, nhận định.
Thanh Danh (Theo CNN, Reuters, Washington Post)
Để lại một phản hồi