Quy trình Trung Quốc chọn lãnh đạo cấp cao

Sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại, tương đương quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp, cơ quan tham vấn chính sách, bao gồm các đảng viên đảng Cộng sản và thành viên ngoài đảng) kết thúc kỳ họp thường niên cuối tuần trước, hãng thông tấn Xinhua đăng bài viết về công tác quy hoạch nhân sự tại các cơ quan cấp cao ở nước này.

“Trung ương đảng rất coi trọng công tác xây dựng đội ngũ lãnh đạo mới cho các cơ quan chính phủ cùng Ủy ban Quốc gia của Chính hiệp, làm rõ những nguyên tắc và yêu cầu cho công tác này. Nguyên tắc về lãnh đạo toàn diện của đảng, đặc biệt là sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của trung ương đảng, cần được tuân thủ triệt để trong quá trình đó”, Xinhua cho biết.

Thông báo này cho thấy Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc là nơi đề ra các quy trình, tiêu chuẩn cho các ứng viên được bầu vào vị trí lãnh đạo cấp cao của nước này.

Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 11/3. Ảnh: AFP.

Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 11/3. Ảnh: AFP.

Theo đó, ứng viên được đề cử vào vị trí lãnh đạo các cơ quan cấp cao thường là những người sinh sau năm 1955 nhằm đảm bảo “xây dựng đội ngũ lãnh đạo một cách chủ động và ổn định”. Điều này đồng nghĩa các cán bộ được bầu thường phải dưới 68 tuổi, nhưng tiêu chí này được áp dụng linh hoạt cho một số trường hợp, trong đó có quan chức được đề cử từ Hong Kong, Macau hoặc dân tộc thiểu số.

Ứng viên được đề cử cho vị trí cấp cao thường là những cán bộ đã có kinh nghiệm ít nhất 5 năm công tác ở vị trí lãnh đạo cấp tỉnh hoặc cấp bộ. Quy định này có thể áp dụng linh hoạt cho những ứng viên đủ khả năng đảm nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp. Bài viết trên Xinhua không đề cập cụ thể bất kỳ trường hợp đặc cách nào.

Trong kỳ họp quốc hội vừa qua, ông Tần Cương, 56 tuổi, đã được bầu làm ủy viên Quốc vụ viện, dù mới đảm trách vị trí Ngoại trưởng Trung Quốc khoảng hai tháng và đây là chức vụ cấp bộ trưởng đầu tiên trong sự nghiệp của ông. Quốc hội Trung Quốc cũng bầu ông Trương Hựu Hiệp làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, dù ông đã 72 tuổi.

Đây là lần đầu truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai các tiêu chí và quy trình cụ thể bầu nhân sự cho cơ quan trung ương, trong đó có yêu cầu về phẩm chất, tuổi tác, năng lực và kinh nghiệm công tác với những người được chọn vào các vị trí lãnh đạo.

Bài viết được công bố không lâu sau khi quốc hội Trung Quốc bầu ra loạt vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị nước này. Các đại biểu đã bầu ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba, còn ông Lý Cường được bầu làm Thủ tướng, thay thế ông Lý Khắc Cường điều hành chính phủ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh đội ngũ lãnh đạo mới của nước này đều là các chính trị gia đã kinh qua vị trí then chốt trong nhiều lĩnh vực, có lý lịch chính trị trong sạch, đảm bảo tính đại diện của phụ nữ, dân tộc thiểu số và cả người không phải là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Xinhua, một đặc điểm nổi bật của quá trình lựa chọn lãnh đạo mới là việc quy hoạch có hệ thống và xem xét một cách toàn diện.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng các ủy viên Trung ương đảng khóa 19 lựa chọn, xem xét các đề cử nhân sự lãnh đạo mới. Trung ương đảng tham gia đánh giá toàn diện ứng viên cho đội ngũ lãnh đạo mới từ giai đoạn tổ chức nhân sự cho Đại hội 20, trao đổi riêng với từng người về ứng viên đứng đầu các cơ quan.

Từ tháng 4 đến tháng 6/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Trung ương đảng tổ chức hơn 300 cuộc phỏng vấn riêng. Đến tháng 9/2022, Bộ Chính trị khóa 19 trình đề án nhân sự các cơ quan lãnh đạo đảng và đề xuất ứng viên lãnh đạo các cơ quan chính phủ, Chính hiệp. Sau khi Đại hội đảng toàn quốc khóa 20 kết thúc vào tháng 10/2022, danh sách đề cử ứng viên tiếp tục được kiện toàn và xem xét thêm.

Đối với các ứng viên không phải đảng viên, ý kiến đánh giá được thu thập từ Ban công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương đảng và cơ quan lãnh đạo của các tổ chức chính trị – xã hội ngoài đảng.

Đến ngày 28/2, trung ương đảng tổ chức họp tham vấn và phê duyệt danh sách ứng viên, sau đó gửi cho đoàn chủ tịch Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 14 và Ủy ban Quốc gia Chính hiệp khóa 14.

Xinhua cho biết danh sách này “nhận được sự đồng thuận vững chắc” sau khi trải qua quá trình phỏng vấn, nghiên cứu, xem xét, tham vấn chuyên sâu và toàn diện.

Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) bắt tay người tiền nhiệm Lý Khắc Cường tại phiên họp ngày 11/3 của quốc hội Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) bắt tay người tiền nhiệm Lý Khắc Cường tại phiên họp ngày 11/3 của quốc hội Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Xinhua cho hay một số quan chức cấp cao nhiệm kỳ trước đã chủ động trao lại trách nhiệm lãnh đạo cho lớp cán bộ trẻ, “sau khi cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích của đảng và nhân dân, với tinh thần trách nhiệm cao vì sự phát triển đất nước và chấn hưng dân tộc”.

Bài viết đánh giá quyết định về hưu của các cựu lãnh đạo đã thể hiện “tư duy cởi mở và liêm chính cao”, song không nêu cụ thể. Sau kỳ họp quốc hội vừa qua, thủ tướng Lý Khắc Cường và chủ tịch Chính hiệp Uông Dương, cùng sinh năm 1955, đều về hưu.

Cũng trong kỳ họp, ông Triệu Lạc Tế được bầu làm Chủ tịch quốc hội khóa 14 và ông Hàn Chính là Phó chủ tịch nước kế nhiệm ông Vương Kỳ Sơn. Ông Vương Hỗ Ninh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Chính hiệp. Các vị trí lãnh đạo Ủy ban Giám sát Quốc gia, Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng có lãnh đạo mới.

Dành lãnh đạo mới được bầu ở kỳ họp lưỡng hội có tổng cộng 6 nữ, 7 người từ các nhóm dân tộc thiểu số và 18 người ngoài đảng. Độ tuổi trung bình trong đội ngũ lãnh đạo mới của quốc hội là 65,4, còn của chính phủ và Chính hiệp Trung Quốc lần lượt là 61,7 và 65,3.

Xinhua đánh giá đội ngũ lãnh đạo mới tập hợp những người “đã thể hiện rõ tài năng trong công tác, tinh thần tiên phong, nhận được ủng hộ mạnh mẽ của người dân và uy tín cao trong hàng ngũ cán bộ”.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp quốc hội, ông Tập, 69 tuổi, cho rằng sự tín nhiệm của nhân dân là nguồn sức mạnh to lớn nhất của ông để tiến lên, cũng là trách nhiệm cao nhất mà ông phải gánh vác. “Cây gậy tiếp sức trong nỗ lực xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và thúc đẩy chấn hưng quốc gia đã được trao lại cho thế hệ chúng ta”, ông Tập nói.

Thanh Danh (Theo Xinhua, SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*