SAM Holdings thông qua việc cung cấp thư bảo lãnh thanh toán cho toàn bộ nghĩa vụ nợ (gốc, lãi, phí) của CTCP Dây và Cáp Sacom đối với Ngân hàng TNHH CTBC – Chi nhánh TP. HCM, hạn mức tín dụng là 3 triệu USD (nếu tính theo tỷ giá Vietcombank ngày 15/3 là 1 USD đổi 23.750 VNĐ, ước tính giá trị hạn mức khoảng 71,25 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, SAM Holdings cũng chưa công bố điều khoản cụ thể của hợp đồng vay vốn tại ngân hàng nói trên, Công ty giao cho Tổng giám đốc Trần Việt Anh thực hiện các thủ tục liên quan.
Theo tìm hiểu, tính tới 31/12/2022, SAM Holdings đang sở hữu 99,92% vốn tại CTCP Dây và Cáp Sacom, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại…
SAM Holdings thực hiện nhiều giao dịch với Công ty con CTCP Dây và Cáp Sacom trong năm 2022. (Nguồn: SAM). |
Được biết, trong năm 2022, SAM Holdings có nhiều giao dịch với Công ty con là CTCP Dây và Cáp Sacom. Trong đó, đáng chú ý là nhận nợ vay 53 tỷ đồng, trả nợ vay 33 tỷ đồng, và thanh toán chi phí lãi vay 285,8 triệu đồng.
Lỗ 38,28 tỷ đồng trong quý IV/2022
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 535,27 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 38,28 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 98,16 tỷ đồng, tức giảm 136,44 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 158,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 28,98 tỷ đồng lên 47,25 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 53%, tương ứng giảm 97,59 tỷ đồng về 86,54 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 111,3%, tương ứng tăng thêm 53,05 tỷ đồng lên 100,72 tỷ đồng; lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 17,74 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 2,21 tỷ đồng, tăng lỗ 15,53 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 40,9%, tương ứng tăng thêm 14,95 tỷ đồng lên 51,47 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Nếu xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), quý IV, Công ty tiếp tục lỗ 104,94 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 65,92 tỷ đồng.
Như vậy, Công ty chỉ bớt lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 86,54 tỷ đồng.
Công ty thuyết minh chi phí tài chính tăng chủ yếu do trong kỳ, Công ty ghi nhận lỗ tỷ giá 17,8 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận lỗ 1,5 triệu đồng; lỗ thanh lý các khoản đầu tư là 55,4 tỷ đồng so với cùng kỳ là 11,6 tỷ đồng; chi phí lãi vay là 26,3 tỷ đồng so với cùng kỳ là 10,7 tỷ đồng …
Được biết, quý lỗ gần nhất là quý III/2017 với mức lỗ 3,57 tỷ đồng. Như vậy, sau 20 quý liên tiếp có lãi, Công ty quay trở lại lỗ trong quý IV/2022.
Luỹ kế trong năm 2022, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 2.109,06 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 7,35 tỷ đồng, giảm 95,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, SAM Holdings đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.855,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 210,7 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính 2022 với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 40,9 tỷ đồng, Công ty không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 19,4% kế hoạch lợi nhuận năm, thấp hơn nhiều chỉ tiêu kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành.
Tăng trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán trong năm 2022
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của SAM Holdings giảm 4,1% so với đầu năm, về 7.236,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 2.272,4 tỷ đồng, chiếm 31,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.804,2 tỷ đồng, chiếm 24,9% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.155,2 tỷ đồng, chiếm 16% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong năm, biến động lớn chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 56,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 625,16 tỷ đồng về 485,94 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 43,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 687,5 tỷ đồng lên 2.272,4 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, Công ty đã thu hẹp danh mục đầu tư chứng khoán khi đầu năm là 278,5 tỷ đồng, cuối năm còn 208,5 tỷ đồng, tức giảm 70 tỷ đồng. Trong đó, thời điểm 31/12/2022, Công ty trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán là 52,88 tỷ đồng, tạm lỗ 25,4% tổng danh mục (đầu năm trích lập 2,81 tỷ đồng, tạm lỗ 1% tổng danh mục).
Trong năm 2022, SAM Holdings đã bán ra toàn bộ cổ phiếu FPT, TCB, MWG, HCM, MSN… và tính tới cuối năm 2022, danh mục cổ phiếu chủ yếu 62,9 tỷ đồng cổ phiếu SJS, 56,4 tỷ đồng cổ phiếu DNP, 47,4 tỷ đồng cổ phiếu HPG, 9,7 tỷ đồng cổ phiếu MBB …
Đối với danh mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, tăng đột biến khi Công ty ghi nhận đầu tư mới 719,96 tỷ đồng vào CTCP Liên Doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ.
Theo tìm hiểu, CTCP Liên Doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy là chủ đầu tư dự án Cảng Mỹ Thủy, đây là dự án động lực trong Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 1/2019. Dự án bao gồm 10 bến phát triển theo 03 giai đoạn trên diện tích 685 ha đất. Tổng vốn đầu tư của dự án là 14.234 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 2.143 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án có dấu hiệu chậm triển khai trong nhiều năm sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, cổ phiếu SAM tăng 60 đồng lên 5.860 đồng/cổ phiếu.
Để lại một phản hồi