Jack Ma trở lại Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc thắt chặt các quy định, đẩy mạnh kiểm soát hoạt động của các công ty lĩnh vực công nghệ kể từ cuối năm 2020, khiến hơn 1 nghìn tỷ USD vốn hoá thị trường của các công ty lớn nhất “bốc hơi”.
Hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc trở nên mềm mỏng hơn với các ông lớn Công ty, tạo cơn gió thuận chiều cho lĩnh vực công nghệ tăng trưởng.
“Chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp gây sóng gió trong 2 năm qua với các doanh nghiệp công nghệ. Hiện tại, gió nghịch chiều dần trở thành thuận chiều”, George Efstathopoulos, giám đốc danh mục đầu tư tại Fidelity International cho biết.
Mới đây, Alibaba công bố thông tin tái cấu trúc diện rộng, sẽ chia tách công ty thành 6 bộ phận kinh doanh với ý tưởng “thúc đẩy giá trị cho cổ đông và tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.
Việc Alibaba tái cấu trúc không phải dấu hiệu duy nhất cho thấy Bắc Kinh nới lỏng các quy định với lĩnh vực công nghệ. Sự kiện đáng chú ý là Jack Ma, người sáng lập Alibaba đã lần đầu xuất hiện trước công chúng Trung Quốc sau nhiều tháng “biến mất”.
Theo giới quan sát, sự kiện Jack Ma bình luận mang tính chỉ trích về giới chức tài chính Trung Quốc đã trở thành “ngòi nổ” cho những biến cố sau đó với lĩnh vực công nghệ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các quy định thắt chặt được công bố kể từ tháng 10/2020, vài ngày sau phát biểu của Jack Ma, Ant Group – công ty con lĩnh vực tài chính của Alibaba buộc phải huỷ bỏ việc niêm yết tại sàn Hồng Kông và Thượng Hải. Nguyên nhân được giới chức công bố là Công ty không đáp ứng đủ các quy định để lên sàn giao dịch đại chúng.
Tiếp theo đó, Chính phủ Trung Quốc phạt Alibaba 2,8 tỷ USD theo các quy định chống độc quyền thị trường, cho rằng Công ty đã “áp bức” các thành viên thị trường khác. Cùng với Alibaba, gã khổng lồ công nghệ khác là Meituan cũng chịu phạt. Chưa hết, giới chức tài chính áp dụng thêm một loạt quy định liên quan tới bảo vệ dữ liệu, khiến cách thức doanh nghiệp công nghệ sử dụng thuật toán trong hoạt động kinh doanh phải có sự điều chỉnh.
Sau 2 năm sóng gió với lĩnh vực công nghệ, sự kiện Jack Ma quay trở lại Trung Quốc và xuất hiện tại trụ sở chính của Alibaba được xem là tín hiệu tích cực đối doanh nghiệp công nghệ. Theo các chuyên gia, điều này phù hợp với ý muốn của giới chức quản lý, thể hiện thái độ nới lỏng hơn với kinh tế tư nhân và doanh nghiệp công nghệ.
Alibaba sẽ bị tách thành 6 công ty |
Tập trung vào tăng trưởng kinh tế
Trong những tuần qua, có nhiều tín hiệu được ghi nhận cho thấy ngành công nghệ đã bắt đầu được bật đèn xanh.
Một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh năm 2021 là công nghệ game, khi giới chức Trung Quốc thể hiện sự lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực, gây nghiện với giới trẻ. Chính quyền Trung Quốc đã đóng băng việc cấp phép cho các trò chơi điện tử mới ra mắt. Tuy nhiên, sang năm 2022, một số trò chơi mới được tiếp tục triển khai, tập trung vào nhóm doanh nghiệp game nội địa. Tháng 3/2023, cuối cùng cũng có giấy phép xuất bản được cấp cho một video game tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Didi – công ty dịch vụ chia sẻ xe khổng lồ của Trung Quốc cũng thông báo sẽ mở rộng hoạt động sau 2 năm trầy trật vì các quy định. Didi đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ vào tháng 6/2021 và “mắc kẹt” với các cuộc kiểm tra an toàn, an ninh mạng do giới chức Trung Quốc tiến hành. Sau đó, Công ty rời khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York và lên kế hoạch giao dịch tại thị trường Hong Kong.
Trong vài ngày gần đây, các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm CEO Apple Tim Cook và CEO Qualcomm Cristiano Amon đã có chuyến thăm Trung quốc và gặp gỡ quan chức chính phủ.
Sau thời gian dài theo đuổi chiến lược zero Covid, năm 2023, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Để làm được điều này, cần sự giúp sức của lĩnh vực kinh tế tư nhân, bao gồm nhóm công nghệ.
“Trung Quốc đối diện 2 vấn đề, tăng trưởng kinh tế yếu đi và sức ép cạnh tranh gia tăng tại lĩnh vực công nghệ xuất phát từ Mỹ. Đây là vị trí không lấy làm dễ chịu và việc nghiêm khắc với các nền tảng công nghệ lớn trong nước trở nên không hợp lý”, Linghao Bao, chuyên gia phân tích lĩnh vực công nghệ tại Trivium China cho biết.
Liệu sóng gió đã qua với doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc?
Không ít ý kiến cho rằng, tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi những rủi ro tới từ nhà quản lý. Xin Sun, giảng viên cao cấp tại King’s College London cho rằng, việc Alibaba tái cấu trúc, chia tách thành 6 bộ phần là cách để “tách đế chế Alibaba hiện tại, giảm thiểu sức ảnh hưởng lớn có thể tạo ra mối đe doạ” đối với ý chí của giới chức quản lý.
Sau khi tái cấu trúc, cơ cấu của Alibaba sẽ trở nên phi tập trung, quyền kiểm soát lên tài sản, dữ liệu và các nguồn lực cũng giảm đi. Điều này đặt ra câu hỏi, trong dài hạn, số phận của các doanh nghiệp công nghệ khác sẽ ra sao? Liệu Tencent, Meituan, ByteDance có bị chia tách?
“Những câu hỏi như vậy sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giới đầu tư, khiến sự tự tin vào các quyết định đầu tư lĩnh vực công nghệ giảm sút”, Xin Sun cho biết.
Để lại một phản hồi