Chuỗi cửa hàng Donut
Được thành lập vào những năm 1950, Dunkin’ Donuts nhanh chóng nổi tiếng với combo ăn sáng “chuẩn” Hoa Kỳ: Cà phê và bánh Donut.
Năm 1955 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của thương hiệu này khi nhà sáng lập Rosenberg bắt đầu áp dụng mô hình nhượng quyền. Đến năm 1963, Dunkin’ Donuts đã có 100 cửa hàng khắp Hoa Kỳ.
Sau hơn 70 năm phát triển, Dunkin’ Donuts đã trở thành một chuỗi bao gồm hơn 12.000 địa điểm ở 36 quốc gia và trở thành địa điểm được yêu thích trên toàn nước Mỹ.
Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp cà phê phát triển và thị hiếu người tiêu dùng dần thay đổi, Dunkin’ Donuts phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các chuỗi cà phê như Starbucks cũng như các cửa hàng nhỏ lẻ địa phương. Để tiếp tục phát triển, Dunkin’ Donuts cần thu hút nhiều đối tượng hơn cũng như xây dựng một hình ảnh thương hiệu đặc trưng.
Vào tháng 9 năm 2018, Dunkin’ Donuts chính thức đổi tên thành Dunkin. Động thái này là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa thương hiệu và tập trung hơn vào các sản phẩm cà phê, hướng tới một tương lai không còn phụ thuộc vào bánh Donut.
Bằng cách loại bỏ từ “Donuts” ra khỏi tên thương hiệu, Dunkin mong muốn thoát ra khỏi hình ảnh “chuỗi cửa hàng bánh rán” và nhấn mạnh cam kết cung cấp cà phê chất lượng cao, kết hợp với nhiều món điểm tâm hấp dẫn.
Không chỉ đổi tên thương hiệu, Dunkin cũng bắt đầu thay đổi thiết kế cửa hàng để nhấn mạnh tốc độ phục vụ và sự tiện lợi. Công ty cũng tung ra một chiến dịch tiếp thị mới nhấn mạnh cam kết chỉ bán “cà phê được làm đúng cách”.
Dunkin – Bậc thầy thích ứng
Dunkin nổi tiếng là một bậc thầy thích ứng với xu hướng luôn thay đổi của người tiêu dùng, đặc biệt là sau khi thay đổi thương hiệu, Dunkin đã giới thiệu một loạt sản phẩm mới và cập nhật thực đơn nhằm thu hút nhiều đối tượng.
Tiêu biểu hơn, Dunkin đã đưa vào menu nhiều sản phẩm thuần chay, bao gồm Sandwich sử dụng thịt thực vật và Cà phê Latte phiên bản sữa hạt, thu hút cả phân khúc khách hàng muốn ăn uống lành mạnh cũng như giới ăn chay đang ngày một phát triển tại Mỹ.
Dunkin cũng lấn sâu trên thị trường cà phê khi giới thiệu một loạt sản phẩm theo mùa, chẳng hạn như Kem bí ngô ủ lạnh và Nước giải khát vị dừa, trở thành một trong những thức uống mùa hè được nhiều khách hàng chờ đợi mỗi năm.
Không chỉ cạnh tranh về mùa vị, Dunkin còn đối đầu trực tiếp với Starbucks trên phương diện giá cả.
Chẳng hạn như sản phẩm bán chạy nhất là Cà phê đen nóng cỡ trung, Dunkin chỉ bán với giá 2 USD so với mức giá 2.65 USD của Starbucks. Theo một khảo sát gần đây, Dunkin luôn là một sự lựa chọn hợp lý với mức giá rẻ hơn Starbucks từ 25% đến 35%.
Dunkin cũng nhấn mạnh cam kết về phát triển bền vững, một yếu tố ngày càng quan trọng đối với nhiều người tiêu dùng. Vào năm 2020, chuỗi đã giới thiệu chương trình tái chế cốc cà phê và đặt mục tiêu 100% cà phê có nguồn gốc bền vững.
Ngoài ra, Dunkin cũng nỗ lực giảm tác động đến môi trường bằng cách đưa vào vận hành nhiều trang thiết bị tiết kiệm năng lượng và chuyển sang sử dụng ống hút giấy.
Kết quả “thay tên đổi vận”
Kết quả đổi thương hiệu của Dunkin rất ấn tượng. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, chỉ sau một năm, Dunkin đã vươn lên và chiếm 26% thị phần cà phê Mỹ vào năm 2019, trong khi Starbucks chỉ chiếm 15%.
Năm 2019, Dunkin báo cáo doanh thu tăng lên mức 9,2 tỷ USD, mức tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ. Dunkin cũng vượt trội hơn so với Starbucks về tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trong quý 3 năm 2021, với mức tăng 3,3% so với mức tăng 2,1% của Starbucks.
Ngoài ra, giá cổ phiếu của Dunkin đã tăng đáng kể kể từ khi công bố đổi thương hiệu vào năm 2018. Tính đến năm 2023, giá cổ phiếu đang rơi vào khoảng 100 USD/cổ phiếu, so với 58 USD/cổ phiếu trước khi đổi thương hiệu.
Nhìn chung, thành công từ nỗ lực đổi thương hiệu của Dunkin có thể được nhìn thấy từ những báo cáo tài chính khả quan, tăng trưởng doanh số bán hàng, cũng như giá cổ phiếu và thị phần tăng vượt trội.
Tập trung nhiều vào sản phẩm cà phê và mở rộng thực đơn để thu hút và giữ chân khách hàng, kết hợp với thiết kế cửa hàng hiện đại đã góp phần giúp Dunkin tiếp tục thành công trên thị trường cạnh tranh cao như Hoa Kỳ.
Để lại một phản hồi