“Theo khung pháp lý của Thụy Sĩ, không thể thực hiện được điều này”, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset ngày 7/3 cho biết, đề cập đến các đề nghị xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự tới Ukraine. “Chính phủ cùng Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ muốn và phải duy trì khuôn khổ pháp lý đó”.
Tổng thống Berset đưa ra bình luận sau khi Đức đề nghị Thụy Sĩ bán lại xe tăng Leopard 2 cũ mà nước này đang niêm cất cho tập đoàn Rheinmetall. Đức cam kết số xe tăng mua lại từ Thụy Sĩ không dùng để viện trợ cho Ukraine, thay vào đó bù đắp thiếu hụt trong quân đội các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Thụy Sĩ không phải thành viên EU, song áp đặt một số lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau động thái tương tự của liên minh. “Các biện pháp trừng phạt hoàn toàn phù hợp với tính trung lập của Thụy Sĩ”, Tổng thống Berset tuyên bố.
Bất chấp áp lực từ Ukraine và đồng minh phương Tây, Thụy Sĩ tới nay vẫn từ chối cho phép các quốc gia tái xuất vũ khí do họ chế tạo sang Ukraine. Quốc hội Thụy Sĩ đang cân nhắc một số sáng kiến nhằm nới lỏng quy định về tái xuất vũ khí, song tiến trình này có thể mất nhiều tháng.
Tổng thống Berset cho biết quốc hội Thụy Sĩ “có nhiều khả năng thay đổi luật”. “Nếu quốc hội đồng ý thay đổi, chúng tôi sẽ làm việc theo khung pháp lý mới, song điều này sẽ mất thời gian”, Tổng thống Berset nói. “Luật là luật, không có ngoại lệ”.
Trong bất cứ hợp đồng bán vũ khí và vật tư quân sự nào, Thụy Sĩ đều yêu cầu đối tác không chuyển giao chúng cho nước thứ ba nếu không có sự đồng ý trước của Bern. Đây là thông lệ được quốc tế công nhận rộng rãi.
Trong trường hợp bên thứ ba là quốc gia đang liên quan tới xung đột vũ trang trong nước hoặc quốc tế, Thụy Sĩ sẽ từ chối cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí, đạn dược.
Trạng thái trung lập là một trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại của Thụy Sĩ. Điều này đồng nghĩa Thụy Sĩ không thể tham gia vào xung đột của hai quốc gia khác, cũng như cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp hay gián tiếp cho bất cứ bên tham chiến nào.
Luật xuất khẩu vũ khí và các nguyên tắc chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ dựa trên Đạo luật Vật tư Chiến tranh, trong đó quy định “kiểm soát sản xuất và chuyển giao vật tư quân sự cùng công nghệ liên quan, đồng thời duy trì năng lực ngành công nghiệp quốc phòng phù hợp yêu cầu của đất nước”.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Để lại một phản hồi