Thị trường chứng khoán đã khép lại tháng 3 giao dịch tương đối khởi sắc, VN-Index tăng hơn 5 điểm cùng với thanh khoản cải thiện đáng kể, giá trị khớp lệnh trên HoSE xấp xỉ 10.500 tỷ đồng, cao nhất trong 27 phiên gần nhất.
Dù vậy, tính chung trong cả tháng 3, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE chỉ đạt hơn 8.000 tỷ đồng/phiên, giảm 8% so với tháng trước. Kể từ tháng 11/2020, chưa bao giờ thanh khoản thị trường lại “heo hút” như hiện nay. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp thanh khoản khớp lệnh HoSE sụt giảm so với tháng trước đó.
Mức thanh khoản èo uột diễn ra trong bối cảnh thị trường biến động tăng giảm khó lường, những cú xoay chiều nhanh chóng của thị trường trong thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt khi cổ phiếu chưa kịp về tài khoản đã chịu thua lỗ. Do đó, dễ hiểu khi nhà đầu tư dè dặt không muốn xuống tiền. Bên cạnh đó, sau giai đoạn công ty chứng khoán bán giải chấp hàng loạt cổ phiếu vào quý 4/2022, lượng margin toàn hệ thống đã sụt giảm đáng kể khoảng 40% so với mức đỉnh thiết lập vào quý 1. Hiện nhà đầu tư hiện vẫn còn khá dè dặt trong việc sử dụng margin trong bối cảnh thị trường liên tục biến động khó lường cùng với việc lãi suất cho vay margin tăng khá mạnh.
Ngoài sự chần chừ của nhà đầu tư có sẵn trong thị trường, sự trồi sụt cũng làm hạ nhiệt đáng kể làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán. Sau thời kỳ bùng nổ, lượng tài khoản mở mới liên tục giảm mạnh từ tháng 7/2022 rồi rơi xuống dưới 100.000 tài khoản/tháng trong 6 tháng gần nhất.
Mặt khác, rõ ràng là không dễ để giao dịch có thể sôi động trở lại đặc biệt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất được dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức cao ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2023, thậm chí có thể tiếp tục tăng. Hầu hết các dự báo đều nhận định đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại. Trong trường hợp Fed tiếp tục hút tiền, tỷ giá có thể sẽ tiếp gây áp lực lên lãi suất trong nước, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền vào chứng khoán.
Kết quả kinh doanh quý 4/2022 không mấy tích cực cũng đã kéo định giá thị trường “đắt” hơn tương đối so với thời điểm trước. Theo dữ liệu, P/E trailing của VN-Index hiện dừng ở mức 12,x lần cao hơn đáng kể so với đáy. Mùa kết quả kinh doanh quý 1/2023 cũng đang cận kề, nhiều dự báo cho thấy tình hình sẽ không “khá khẩm” hơn là bao, từ đó tiếp tục kéo định giá thị trường lên cao hơn. Đây tiếp tục là rào cản khiến dòng tiền không còn mặn mà.
Đặc biệt, động lực to lớn từ dòng vốn ngoại đang dần suy kiệt. Sau thời gian mua ròng nhanh và mạnh, giao dịch khối ngoại chững lại rõ rệt, thậm chí họ quay đầu bán ròng trong vài phiên gần đây cũng tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Dòng tiền khối ngoại không còn là lực đỡ trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ cũng khiến dòng tiền nội thận trọng hơn.
Dù vậy, vẫn có những yếu tố được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến thanh khoản thị trường như việc đưa vào vận hành nền tảng giao dịch KRX và các sản phẩm mới trên thị trường vốn. Triển vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ ràng hơn có thể sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam ngày càng sôi động.
Mặc dù chững lại thời gian gần đây nhưng dòng vốn qua các quỹ ETF vẫn được kỳ vọng sẽ dẫn dắt khối ngoại trở lại TTCK Việt Nam. Theo nhiều đánh giá, ETF đang là xu hướng toàn cầu và mang tính dài hạn. Sự bùng nổ của các quỹ ETF góp phần không nhỏ kéo nhà đầu tư nước ngoài đến với chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn từ khu vực Châu Á.
Theo quan điểm của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, không có gì đáng bi quan về thanh khoản hiện tại. Điều này là dễ hiểu khi thị trường đang ở vùng đáy vĩ mô, nhiều tín hiệu tốt xấu sẽ đan xen và tin xấu chủ yếu về nền kinh tế, doanh nghiệp khiến nhà đầu tư càng trở nên bi quan. Theo ông Huy, thanh khoản thị trường sẽ chỉ cải thiện khi thị trường đã thấy rõ đáy, tăng trưởng được một quãng và thu hút dần trở lại nhà đầu tư.
“Thực thế cho thấy trong năm 2022, nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ và hưng phấn lại là giai đoạn rất rủi ro. Như vậy, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư cá nhân xuống thấp như hiện tại, khi bối cảnh vĩ mô có sự cải thiện thì việc tham gia thị trường lại trở nên an toàn hơn nhiều”, vị chuyên gia tới từ DSC cho hay.
Để lại một phản hồi