Tổng thống Pháp tháo đồng hồ gần 2.600 USD giữa cuộc phỏng vấn

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22/3 trả lời phỏng vấn trên truyền hình về luật tăng tuổi hưu từ 62 lên 64 mà chính quyền ông mới thông qua. Khoảng 10 phút sau cuộc phỏng vấn, một tiếng cạch vang lên khi ông Macron đặt mạnh tay xuống, khiến đồng hồ trên cổ tay trái chạm mặt bàn.

Ông Macron sau đó kín đáo đưa hai tay xuống dưới gầm bàn, trong khi vẫn tiếp tục trả lời phỏng vấn, rồi đặt vật gì đó sang bên cạnh. Khi ông đưa tay lên bàn, chiếc đồng hồ đã không còn ở cổ tay.

Tổng thống Pháp bị chỉ trích vì tháo đồng hồ đắt tiền khi phỏng vấn

Tổng thống Pháp bị chỉ trích vì tháo đồng hồ đắt tiền khi phỏng vấn

Tổng thống Pháp Macron tháo đồng hồ trong cuộc phỏng vấn hôm 22/3. Video: TF1.

Hành động này nhanh chóng thu hút chú ý ở Pháp, nơi nhiều cuộc biểu tình đang nổ ra để phản đối luật cải cách hưu trí. Video được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội hôm 24/3, với một số người cho rằng đây là chiếc đồng hồ xa xỉ có giá 86.000 USD.

Họ cáo buộc Tổng thống Pháp tháo đồng hồ để “che giấu giá trị của nó”, cho rằng đó là bằng chứng ông thiếu cảm thông với dân thường. “Tổng thống giàu có chưa bao giờ gây chú ý tốt như vậy”, Farida Amrani, nghị sĩ đảng cực tả La France Insoumise (LFI), cho hay.

Tuy nhiên, đài truyền hình France Info chỉ ra rằng đây là chiếc đồng hồ BRV 1-92 của công ty Pháp Bell&Ross, trị giá hơn 2.580 USD và gắn biểu tượng của GSPR, đơn vị an ninh bảo vệ Tổng thống Pháp.

Một nguồn tin giấu tên thân cận với Tổng thống Pháp nói ông thường xuyên đeo chiếc đồng hồ này hơn một năm rưỡi qua. “Mọi người có thể thấy nó trên tài khoản Instagram của Tổng thống. Ông cũng đeo chiếc đồng hồ đó khi xem trận chung kết World Cup 2022 ở Qatar và trong chuyến thăm Mỹ tháng 12 năm ngoái”, nguồn tin cho hay.

Trước những lời chỉ trích, đại diện Điện Elysee nói rằng Tổng thống Macron tháo đồng hồ vì nó “lách cách trên bàn” khi ông trả lời phỏng vấn. “Tổng thống không tháo đồng hồ để giấu, mà vì nó đập mạnh vào bàn. Tiếng ồn có thể nghe thấy rõ ràng”, phát ngôn viên Điện Elysee cho hay.

Một ngày sau cuộc phỏng vấn của ông Macron, hơn một triệu người biểu tình xuống đường trên khắp nước Pháp để phản đối luật cải cách hưu trí.

Chính quyền Tổng thống Macron ngày 16/3 kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để vượt quyền quốc hội, phê chuẩn luật, theo đó nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Các cuộc thăm dò chỉ ra 2/3 dân Pháp không đồng tình với đạo luật.

Huyền Lê (Theo Guardian)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*