Jack Kellogg bắt đầu giao dịch cổ phiếu ngay khi tốt nghiệp trung học vào năm 2017. Trong 5 năm đầu tư, anh đã chứng kiến nhiều sự kiện, bao gồm đợt lao dốc năm 2020, đợt tăng giá dữ dội năm 2021 và thị trường “con gấu” vào năm 2022. Một điều mà anh đã học được đó là phải để mọi thứ đơn giản mà vẫn linh hoạt.
Theo Jack, nhà đầu tư không cần đến những chỉ báo quá “siêu phàm” để kiếm tiền. Anh chỉ sử dụng những đường xu hướng cơ bản, hỗ trợ, kháng cự và khối lượng để theo dõi. Anh nói: “Nếu phức tạp hoá các chỉ báo, mọi thứ sẽ chỉ rối tung lên.”
Nhờ đó, Jack đã trở nên linh hoạt trong việc đầu tư, có thể tận dụng cả vị thế mua và bán khi thích hợp. Điều này đã giúp anh giao dịch “trong yên bình” suốt cả năm 2022. Theo BI, Jack lãi hơn 8 triệu USD từ giao dịch trong ngày vào năm 2020 và 2021.
Jack cho biết anh đã đi cả một chặng đường dài kể từ khi bắt đầu với 7.500 USD. Con đường dẫn đến thành công không hề bằng phẳng, ban đầu anh thua lỗ đến vài trăm USD và mất phương hướng.
Vào thời điểm thị trường tăng giá mạnh vào năm 2020, anh sẵn sàng “cưỡi sóng”, với các cổ phiếu meme như Bed Bath and Beyond (BBBY) và AMC. Jack cũng giao dịch một vài cổ phiếu vốn hoá nhỏ và kiếm được những khoản lời lớn, ví dụ Intelligent Living Application (ILAG) giúp anh kiếm hơn 91.000 USD.
Chỉ báo đầu tiên mà Jack chú ý là VWAP – thể hiện đường trung bình giá dựa theo khối lượng giao dịch có trọng số. Anh sử dụng cùng với biểu đồ hàng ngày, để xác định mức giá mua vào hợp lý. Nếu mục tiêu là “mua thấp, bán cao”, thì Jack sẽ không trả nhiều tiền hơn mức trung bình mà ai cũng mua vào. Do đó, Jack sẽ không đặt lệnh mua nếu giá cao hơn đường VWAP và nếu giá thấp hơn VWAP, anh sẽ không bán khống cổ phiếu đó.
Ngoài ra, Jack cũng theo dõi đường quy hồi tuyến tính (linear regression), cho biết xu hướng giá và khi nào sẽ “đổi hướng”. 2 đường trên và dưới cùng thể hiện phạm vi giá hoặc biến động, trong khi đường ở giữa biểu thị mức trung bình giữa 2 đường. Xu hướng giá của đường trên cùng báo hiệu một cổ phiếu đang ở mức “quá mua” và đường dưới cùng là “quá bán”.
Chỉ báo tiếp theo là khối lượng, cho thấy số lượng cổ phiếu đang được giao dịch ở bất kỳ thời điểm nào. Jack chủ yếu sử dụng chỉ báo này để dự đoán về thời điểm cổ phiếu có thể đảo chiều. Anh cho biết: “Khi thấy khối lượng giao dịch lớn, tôi biết rằng nhiều người có thể đã nhầm lẫn. Bởi vậy, nếu khối lượng giao dịch tăng đột biến lên gần mức cao nhất trong ngày, có thể là rất nhiều người đang mua vào và nhiều người khác đang cố ‘bắt sóng’.”
Cuối cùng, Jack theo dõi đến ngưỡng hỗ trợ và kháng cự. Vì chỉ báo này thay đổi trong suốt phiên, nên Jack cố gắng tìm ra mốc quan trọng bằng cách nhìn vào mức tăng đối với khối lượng tại đó. Anh cũng chú ý đến số lần và thời gian một mức giá được duy trì để xác định điểm đó có ổn định hay không. Anh nói: “Dù đây không chính xác như nghiên cứu khoa học, nhưng những điểm mà giá dao động trong 30 phút đến 1 giờ là ổn định nhất.”
Theo Jack, điều quan trọng nhất là giao dịch theo hành động giá (price action). Ngay cả khi bạn đã có lập luận về lý do tại sao giá cổ phiếu có thể dịch chuyển theo 1 hướng nhất định, thì nếu giá đang diễn ra theo hướng khác, bạn cần phải cắt lỗ.
Tham khảo BI
Để lại một phản hồi