Trung Quốc chỉ trích thương vụ tàu ngầm của Australia

“Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh và Australia chứng minh rằng vì lợi ích địa chính trị của mình, ba nước hoàn toàn coi thường những lo ngại của cộng đồng quốc tế và ngày càng tiến xa hơn vào con đường sai lầm, nguy hiểm”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.

Bình luận của ông Uông được đưa ra sau khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 13/3 thông báo đã đạt thỏa thuận với Mỹ, Anh để mua tối đa 5 tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân lớp Virginia, mỗi chiếc giá hơn 3 tỷ USD, trong thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử nước này.

Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ mua tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, sau đó chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng Australia sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tại cuộc họp báo, ông Uông cáo buộc Mỹ, Anh và Australia kích động chạy đua vũ trang và thỏa thuận AUKUS là “ví dụ điển hình của tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Theo ông, việc bán tàu ngầm “gây nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng và vi phạm các mục đích, mục tiêu của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Tàu ngầm lớp Virginia tại nhà máy đóng tàu của Mỹ hồi năm 2012. Ảnh: USNI.

Tàu ngầm lớp Virginia tại nhà máy đóng tàu của Mỹ hồi năm 2012. Ảnh: USNI.

Hôm 13/3, khi được hỏi liệu ông có lo lắng Trung Quốc sẽ coi thỏa thuận AUKUS là hành vi gây hấn, ông Biden trả lời “không”. Ông cũng nói rằng sẽ sớm trao đổi với ông Tập, song không nêu rõ thời điểm.

Australia dự kiến chi khoảng 245 tỷ USD để mua và duy trì hoạt động của đội tàu ngầm hạt nhân đến năm 2055. Thủ tướng Albanese nói rằng AUKUS sẽ mang lại khoản đầu tư 4 tỷ USD cho năng lực công nghiệp của Australia trong giai đoạn 2023-2027, đồng thời tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong 30 năm tới.

Thương vụ tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD đánh dấu lần đầu Mỹ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ những năm 1960, sau khi giúp Anh thiết kế hạm đội của nước này. Washington, Canberra và London đã dành 18 tháng thảo luận về khả năng Australia sở hữu công nghệ động lực hạt nhân tối mật của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Australia năm 2016 ký hợp đồng với tập đoàn Naval Group của Pháp để chế tạo 12 tàu ngầm tấn công diesel-điện thuộc biến thể Block 1A của lớp tàu ngầm Barracuda. Đây vốn là lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Pháp, nhưng được sửa đổi thành tàu ngầm thông thường để bán cho Australia.

Hợp đồng trị giá 40 tỷ USD vào thời điểm ký, là một trong những thỏa thuận quân sự lớn nhất thế giới vào lúc đó. Tuy nhiên, chương trình này nhiều lần bị trì hoãn và đội vốn, khiến giới chức Australia ngày càng hoài nghi về hiệu quả của nó.

Tháng 9/2021, chính quyền thủ tướng Australia khi đó là Scott Morrison tuyên bố hủy hợp đồng với Naval Group, bồi thường 584 triệu USD và quyết định đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao, nằm trong thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS.

Động thái đã gây căng thẳng ngoại giao hiếm thấy giữa Pháp với ba nước tham gia AUKUS. Pháp đã triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia về nước để tham vấn, trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi thỏa thuận của AUKUS là “cú đâm sau lưng”. Tổng thống Pháp hồi tháng 11/2021 cũng chỉ trích ông Morrison và cho rằng Canberra đã nói dối khi hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*