“Nga đã bắn rơi hơn 60 máy bay quân sự Ukraine, đổi lại họ mất khoảng 70 chiếc. Mạng lưới phòng không của hai bên tỏ ra rất hiệu quả, đặc biệt là khi đối đầu với chiến đấu cơ. Đó là lý do máy bay Nga và Ukraine không thể hoạt động tùy ý trên bầu trời của nhau”, tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE) cho biết trong hội thảo hôm 6/3.
Tướng Hecker cho rằng Nga không chiếm được ưu thế trên không trong giai đoạn đầu chiến sự, khiến không phận Ukraine trở thành môi trường khắc chế lẫn nhau.
Nga đang bố trí hàng loạt hệ thống phòng không ở các tỉnh biên giới, trên đất Belarus và các khu vực tác chiến tại Ukraine. Phòng không Ukraine từng bị tập kích dữ dội trong những ngày đầu chiến sự, nhưng vẫn duy trì được một số hệ thống tầm xa như S-300 và tầm trung Buk-M1, đồng thời được bổ sung các tổ hợp tên lửa tầm trung hiện đại của phương Tây như NASAMS và IRIS-T.
“Thành công của lực lượng phòng không Nga, Ukraine khiến máy bay đối phương gần như vô dụng. Họ không thể hiện được gì nhiều”, ông nói.
Tướng Hecker cảnh báo lưới phòng không đa tầng dưới mặt đất kết hợp tiêm kích mang tên lửa đối không tầm xa của Nga khiến Ukraine sẽ khó triển khai máy bay cho những chiến dịch phản công hiệp đồng quy mô lớn dự kiến diễn ra trong mùa xuân và hè năm nay. “Họ không thể tùy ý hoạt động và làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực tầm gần cho bộ binh”, ông nói.
Mỹ đã cung cấp tên lửa diệt radar AGM-88B HARM cho phi đội tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 và chiến đấu cơ hạng nặng Su-27 Ukraine, nhằm đối phó các hệ thống phòng không Nga. “Chúng có nhiều hạn chế vì không thể tích hợp triệt để như trên máy bay Mỹ, nhưng đang thể hiện hiệu quả tương đối”, tướng Hecker cho hay.
Dù vậy, chiến đấu cơ Ukraine vẫn phải bay gần mặt đất để tránh bị phòng không Nga phát hiện, cũng như hạn chế nguy cơ bị tiêm kích đánh chặn từ xa. Các chuyên gia phương Tây từng cảnh báo phi đội MiG-31BM và Su-35S Nga trang bị tên lửa R-37M với tầm bắn hơn 200 km có thể uy hiếp mọi máy bay được Ukraine triển khai ở khu vực rộng lớn tại đông và nam đất nước.
“Các chuyến tuần tra đạt hiệu quả rất cao trong đối phó tiêm kích và cường kích Ukraine, trong đó tên lửa R-37M là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với không quân Ukraine. Né tránh loại tên lửa này rất khó khăn, do chúng có tốc độ cao, tầm bắn hiệu quả lớn và đầu dò được thiết kế để diệt các mục tiêu bay thấp”, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết trong báo cáo cuối năm ngoái.
Vũ Anh (Theo Air & Space ForcesMagazine)
Để lại một phản hồi