Ukraine thừa nhận mất nhiều phi công hàng đầu

“Chúng tôi nhận viện trợ càng sớm thì xung đột càng nhanh chấm dứt, càng cứu được nhiều mạng sống. Tôi đang mất nhiều phi công giỏi nhất vì thiếu thốn trang thiết bị. Tôi biết ơn những người đã quan tâm và giúp đỡ”, tướng Serhii Holubtsov, tư lệnh không quân Ukraine, nói trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 19/3.

Tướng Holubtsov, 51 tuổi, gần như sống trong hầm ngầm suốt hơn một năm qua. Ông bác bỏ lo ngại cho rằng tiêm kích do phương Tây viện trợ sẽ nhanh chóng bị phá hủy, khẳng định các phi công dưới quyền cất cánh khoảng 50 lần một ngày để ngăn không quân Nga làm chủ vùng trời Ukraine.

Tư lệnh không quân Ukraine Holubtsov trong ảnh công bố hôm 19/3. Ảnh: Times.

Tư lệnh không quân Ukraine Holubtsov trong ảnh công bố hôm 19/3. Ảnh: Times.

“Ukraine có hàng chục căn cứ và địa điểm khác nhau để phân tán lực lượng, đồng thời tiếp nhận thêm nhiều hệ thống phòng không phương Tây để bảo vệ đường băng. Chúng tôi có thể mang lại kết quả rõ rệt với chiến đấu cơ thời Liên Xô, có lý gì khi cho rằng không quân Ukraine khó làm được điều tương tự với máy bay hiện đại?”, ông nói.

Tuy nhiên, tướng Holubtsov cũng thừa nhận gánh nặng tâm lý khi phải điều động phi công Ukraine đối đầu với không quân Nga áp đảo cả về số lượng và chất lượng khí tài.

“Tiêm kích đời mới của Nga có radar và vũ khí vượt trội. Họ dùng tên lửa với tầm bắn 200 km để phá hủy hệ thống phòng không S-300, vốn có tầm hoạt động khoảng 150 km, sau đó dùng bom dẫn đường nặng 1,5 tấn để công kích các thành phố tiền tuyến như Ugledar, Bakhmut và Maryinka. Nếu có tiêm kích F-16 trang bị tên lửa AIM-120, chúng tôi có thể đẩy máy bay Nga lùi xa hơn nhiều”, ông cho hay.

Holubtsov nhấn mạnh tiêm kích hiện đại với tên lửa tầm xa là yếu tố then chốt để bảo vệ mạng sống tại các thành phố liên tục bị Nga tập kích, cũng như yểm trợ hiệu quả cho những đơn vị sắp nhận xe tăng Challenger 2 và Leopard 2 do phương Tây viện trợ.

“Lãnh thổ Ukraine rất lớn, không thể bao phủ hoàn toàn các hệ thống phòng không mặt đất. Họ cần thời gian để triển khai, nạp tên lửa, cơ động khỏi trận địa và luôn có những khoảng trống để đối phương khai thác. Chỉ có thể khắc phục các điểm yếu này bằng tiêm kích”, tướng Ukraine nói.

Quan chức không quân Ukraine phủ nhận lập luận cho rằng cơ sở hạ tầng nước này không thể tiếp nhận chiến đấu cơ phương Tây, đề cập những lần tiêm kích F-15 và F-16 Mỹ đến diễn tập ở căn cứ Myrhorod và Starokostyantyniv. Ông thêm rằng Ukraine chỉ cần cải thiện một số hạng mục sân bay và hiện đại hóa năng lực hậu cần để vận hành máy bay đời mới.

Holubtsov khẳng định quá trình chuyển đổi sang tiêm kích chuẩn phương Tây “chắc chắn phải xảy ra”, trong bối cảnh các phi cơ chủ lực của Ukraine hiện vẫn phụ thuộc vào vũ khí, phụ tùng do Liên Xô và Nga sản xuất.

Phi công MiG-29 Ukraine trong một chuyến xuất kích hồi năm 2022. Ảnh: Drive.

Phi công MiG-29 Ukraine trong một chuyến xuất kích hồi năm 2022. Ảnh: Drive.

Những khí tài dẫn đường như tên lửa diệt radar AGM-88B HARM và bom JDAM đã xuất hiện trên tiêm kích MiG-29 Ukraine, nhưng không thể vận dụng hết tính năng vì phải nạp dữ liệu mục tiêu từ mặt đất, không thể điều chỉnh thiết lập nếu tình huống tác chiến thay đổi.

Ukraine nhiều lần kêu gọi phương Tây viện trợ tiêm kích F-16, do số lượng xuất xưởng lớn và nguồn phụ tùng dồi dào, giúp bảo đảm khả năng duy trì vận hành trong thời gian dài.

“Chiến đấu cơ của chúng tôi được phát triển từ cách đây 40 năm để trở thành một phần trong hệ thống phòng không Liên Xô, chúng được chế tạo để hiệp đồng chặt chẽ với không quân Nga. Những gì chúng tôi cần bây giờ là tiêm kích được phát triển để đối đầu với Nga”, tướng Holubtsov nhấn mạnh.

Vũ Anh (Theo Times)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*