Sau Thế chiến II, khi Hong Kong còn là thành phố nghèo nàn, đổ nát, hàng quán vỉa hè đã trở thành kế sinh nhai của nhiều hộ gia đình ở đây. Hiệp hội Bán rong Hong Kong ước tính hơn 70.000 người kinh doanh hàng rong như vậy ở đặc khu và Cửu Long vào năm 1946.
Chính quyền thuộc địa Anh thời điểm đó nhận ra loại hình thương mại này cần điều chỉnh và áp một một hệ thống giấy phép. Theo số liệu từ Hội đồng Đô thị Hong Kong, thành phố này năm 1971 có hơn 39.000 người bán hàng trên hè phố được cấp phép, 6.000 người khác hoạt động bất hợp pháp. Năm 1972, Hong Kong ghi nhận 40 khu chợ tạm quy tụ những người bán hàng rong.
Chính quyền Hong Kong đã hạn chế cấp thêm giấy phép mới, khuyến khích những người bán hàng trên vỉa hè chuyển đến kinh doanh tại các trung tâm thương mại hay khu chợ đã được quy hoạch.
Các quan chức thành phố sau đó liên tục có những biện pháp giảm số lượng hàng rong, thực hiện chính sách tái định cư, tăng cường các biện pháp thực thi pháp luật, hạn chế cấp và chuyển nhượng giấy phép bán hàng.
Thành phố hiện còn hai loại giấy phép bán hàng rong. Một là giấy phép cố định, cho phép thương nhân bán hàng tại một quầy ở địa điểm cố định, điển hình là những gian quần áo, giày dép, đồ lưu niệm.
Giấy phép còn lại được cấp cho loại hình bán hàng lưu động như xe kem, hạt dẻ rang, khoai nướng. Lãnh đạo các phường có thể quy định những vùng cho phép hàng rong hoạt động.
Cơ quan Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hong Kong thành lập Đội Kiểm soát Hàng rong nhằm khôi phục trật tự trên vỉa hè và đảm bảo mỹ quan đô thị. Đội này có gần 2.000 nhân viên, có nhiệm vụ đảm bảo những người bán hàng rong tuân thủ yêu cầu về pháp lý, không gây cản trở hoặc phiền toái nơi công cộng.
Các nhân viên Đội Kiểm soát Hàng rong và cảnh sát thường xuyên tuần tra, kiểm tra giấy phép bán hàng tại các “điểm đen” gần ga tàu, tuyến phố chính và những nơi có nhiều khách bộ hành qua lại.
Chính quyền Hong Kong gần đây cũng ngừng cấp mới giấy phép bán hàng rong, đồng thời cấm người bán rong lưu động sang tên, chuyển nhượng giấy phép cho người khác. Người bán hàng cố định có thể chuyển giấy phép cho vợ/chồng, cha mẹ hoặc con cái.
Với những quy định chặt chẽ như vậy, đến năm 2022, lượng người bán hàng rong cố định ở Hong Kong giảm còn 5.200 người. Đội ngũ bán hàng rong lưu động chỉ còn 304 người, ước tính giảm còn 290 người trong năm nay.
Một số người bán rong cũng đã quá già yếu để làm việc, nhưng họ phải bám trụ vì không thể chuyển nhượng giấy phép cho người khác.
Luật quy định những người bán hàng rong có giấy phép phải có mặt tại quầy hàng của họ trong giờ hoạt động. Thương nhân cố định có thể thuê phụ việc khi được chính quyền đồng ý, nhưng phụ tá cũng chỉ có thể làm trong kho hoặc giúp đỡ khi người bán hàng nghỉ giải lao. Trong khi đó, người bán rong lưu động không được phép thuê phụ việc.
Trong cuộc tuần tra hồi đầu tuần, các nhân viên Đội Kiểm soát Hàng rong và cảnh sát Hong Kong phát hiện bà Chan Tak-ching, 90 tuổi, không có mặt tại quầy hàng bán hạt dẻ, khoai nướng mà bà được cấp phép ở khu Cheung Sha Wan. Bà Chan cho hay khi đó đi vệ sinh và nhờ một người họ hàng trông hộ quầy hàng.
Do người họ hàng này không có giấy phép bán hàng rong, nhân viên thực thi pháp luật đã quyết định tịch thu chiếc xe của bà Chan theo đúng quy định, bất chấp bà khóc lóc, van xin.
Người bán hàng rong không giấy phép ở Hong Kong có thể đối mặt án phạt cao nhất là 5.000 đôla Hong Kong (gần 637 USD) và một tháng tù nếu phạm tội lần đầu. Mức phạt sau đó có thể lên hơn 1200 USD và phạt tù 6 tháng. Trong năm 2021, chính quyền Hong Kong đã bắt và xử phạt 1.715 người bán hàng rong vi phạm quy định.
Các quy định nghiêm khắc với hàng rong đã gây tranh cãi trong nhiều năm qua ở Hong Kong, khi một số người cho rằng đây là nét văn hóa cần bảo tồn của thành phố.
“Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore gìn giữ văn hóa hàng rong là có lý do”, Yip Po-lam, dẫn đầu nhóm quan chức tìm hiểu về tình trạng bán hàng rong ở Hong Kong, nói.
“Các siêu thị, điều hành bởi các tập đoàn lớn, sẽ sớm trở thành lựa chọn duy nhất cho người tiêu dùng. Nếu đánh giá từ góc nhìn kinh tế, văn hóa và du lịch địa phương, những hàng quán rong nên được bảo tồn và phát triển”, bà Yip từng phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Lập pháp đặc khu năm 2014.
Giữa những tranh cãi về chính sách, giới chức Hong Kong năm 2017 đề xuất mô hình xe tải đồ ăn, lấy cảm hứng từ New York, nhằm hồi sinh nền ẩm thực đường phố của Hong Kong. Tuy nhiên, thử nghiệm đã thất bại vì tạo ra rất ít lợi nhuận, trước khi hứng đòn chí tử vì đại dịch Covid-19.
Để lại một phản hồi