Anh trở thành thành viên thứ 12 của CPTPP

Tàu container tại cảng Felixstowe ở Anh. Các thành viên CPTPP đã nhất trí về việc Anh gia nhập nhóm. Ảnh: Nikkei Asia.

Các quan chức thương mại từ 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào 31/03 đã nhất trí về việc gia nhập của Vương quốc Anh, một cột mốc quan trọng sẽ mở rộng phạm vi bao phủ của khối châu Á – Thái Bình Dương đến rìa châu Âu.

“Họ hoan nghênh việc kết thúc các cuộc đàm phán về việc Anh gia nhập CPTPP”, theo Tuyên bố chung của các bộ trưởng được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến.

CPTPP là một hiệp định rộng lớn loại bỏ thuế quan thương mại giữa các nước thành viên và đặt ra các quy tắc về các vấn đề như đầu tư xuyên biên giới, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và lao động. Vương quốc Anh sẽ là thành viên không sáng lập đầu tiên của khối kể từ khi ra mắt vào năm 2018.

“Vương quốc Anh đã xác nhận sẽ tuân thủ các quy tắc hiện có trong CPTPP,” một tuyên bố cho biết.

Các thành viên – Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Peru, Chile và Vương quốc Anh sẽ chính thức ký một thỏa thuận tại một cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 7 năm nay.

Các bộ trưởng và đại diện của các thành viên cho biết nhóm công tác sẽ hợp tác với Vương quốc Anh “để chuẩn bị và xác minh văn kiện pháp lý về việc gia nhập, nhằm hoàn thiện quy trình một cách kịp thời”.

Vương quốc Anh đã đăng ký làm thành viên vào năm 2021 như một phần trong cam kết mở rộng của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu.

Với Vương quốc Anh, tổng sản phẩm quốc nội của các thành viên sẽ tăng lên 15% tổng sản phẩm của thế giới, từ mức 12% hiện nay. Nhưng Anh đã thiết lập các hiệp định thương mại tự do với nhiều bên tham gia, ở các mức độ thực hiện khác nhau và việc Anh tham gia có thể là một động thái mang tính biểu tượng và chiến lược hơn là một động thái có tác động kinh tế.

CPTPP có hiệu lực vào năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Giờ đây, tư cách thành viên của Vương quốc Anh đã được thống nhất.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng, CPTPP là một thỏa thuận cấp cao về cả tiếp cận thị trường và các quy tắc.

“Nhật Bản tin rằng cần đánh giá cẩn thận xem các nền kinh tế yêu cầu tham gia CPTPP có được sự chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao này hay không và chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu này từ góc độ chiến lược và với sự hiểu biết của công chúng”, ông Matsuno chia sẻ.

Nhật Bản, quốc gia dẫn đầu việc vận hành khối sau khi Mỹ rút lui, đã hy vọng Washington quay trở lại thỏa thuận, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như không có ý định này.

Ông Matsuno cho biết sự trở lại của Hoa Kỳ là “đáng mong đợi” từ góc độ chiến lược về sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì kêu gọi Mỹ quay trở lại [CPTPP]”, ông nói.

Các thành viên của CPTPP hiện có Canada và Nhật Bản – cũng là thành viên G7. Các đồng minh lịch sử của Anh là Australia và New Zealand cũng tham gia hiệp định này.

Các thành viên CPTPP còn lại là Mexico, Chile và Peru, cùng với Malaysia, Singapore, Việt Nam và Brunei.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*