Nhiều tiềm năng, lợi thế
Từ năm 2017, nhận thấy địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngành và địa phương kiểm tra, rà soát xác định các vùng đất khô cằn, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả để đề xuất cấp chủ trương đầu tư.
Theo báo cáo của UBND Khánh Hòa, giai đoạn 2016 – 2021, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án điện mặt trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch, với tổng quy mô công suất gồm 160 MW và 400,9 MWp. Các dự án này đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành thương mại, khai thác tối ưu công suất, tạo ra sản lượng điện đóng góp vào lưới điện quốc gia trong năm 2021.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3.093 hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện với Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa, với tổng công suất lắp đặt 288,7 MWp. Các dự án năng lượng tái tạo đã đóng góp tích cực trong đảm bảo ninh năng lượng quốc gia, tạo động lực lan tỏa để phát triển các ngành khác, phát huy hiệu quả sử dụng đất và nâng cao giá trị sử dụng đối với diện tích đất khô cằn; làm giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, phát triển năng lượng tái tạo còn khá mới mẻ, hệ thống chính sách pháp luật chưa đầy đủ và đồng bộ, thời gian triển khai thực hiện dự án để hưởng cơ chế bán điện, cũng như thủ tục hành chính rất nhiều và phức tạp, dẫn đến quá trình phát triển dự án còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm.
Cơ hội cho các nhà đầu tư
Theo Báo cáo khảo sát và đề xuất các địa điểm đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, dự kiến giai đoạn đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng thêm 17 dự án năng lượng tái tạo, với công suất 739 MWp.
Thực tế, Khánh Hòa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng trong tương lai. Theo đó, tại Tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cũng định hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, năng lượng.
Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050. Quyết định cũng nêu rõ, đối với Khu kinh tế Vân Phong, nhu cầu cấp điện đến năm 2030 là 831 MW và đến năm 2040 là 1.357 MW. Theo đó, nguồn phát điện từ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 công suất 1.320 MW; Dự án điện mặt trời KN Vạn Ninh công suất 100 MW; xây mới Nhà máy điện khí LNG Vân Phong công suất 2.500 – 3.750 MW.
Được biết, hệ thống lưới điện tỉnh Khánh Hoà nằm trong hệ thống lưới điện quốc gia với lưới điện phát triển khá mạnh, điện năng thương phẩm toàn tỉnh năm 2021 đạt 2,136 tỷ kWh, đạt 95,16% so với năm 2020, Pmax = 395 MW. Các nguồn cung cấp điện chính từ 2 nhà máy thủy điện và một trạm biến áp 220/110/22 KV- 250 MVA Nha Trang, công suất (125+250) MVA, Pmax = 278 MW, đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư.
Đặc biệt, Dự án Trung tâm nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa với tổng công suất 1.320 MW đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến đi vào vận hành thương mại năm 2023. Mỗi năm, Nhà máy dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia 9 tỷ kWh thông qua hệ thống đường dây truyền tải 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có 3 nhà máy thủy điện với tổng sản lượng điện hàng năm cung cấp vào hệ thống điện khoảng 289 triệu kWh; 9 dự án nhà máy điện mặt trời với công suất phát lưới 565 MW; 2 nhà máy nhiệt điện sinh khối (bã mía) với tổng công suất 90 MW.
Những biến chuyển trên sẽ góp phần đưa ngành năng lượng Khánh Hòa tiếp tục phát triển, gặt hái được những kết quả tích cực.
Để lại một phản hồi