“Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập đơn vị tàu ngầm hạt nhân làm nhiệm vụ đặc biệt tại bán đảo Kamchatka. Lực lượng này sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025”, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin giấu tên thân cận với quân đội Nga cho biết hôm nay.
Bán đảo Kamchatka nằm ở khu vực Viễn Đông Nga, giáp với Thái Bình Dương và biển Okhotsk. Nguồn tin giấu tên tuần trước tiết lộ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng để đặt căn cứ tàu ngầm đặc biệt ở Kamchatka dự kiến hoàn thành vào đầu năm tới, thêm rằng ngư lôi Poseidon sẽ được trang bị cho tàu ngầm Belgorod và Khabarovsk để thực hiện nhiệm vụ “răn đe chiến lược”.
“Tàu ngầm hạt nhân làm nhiệm vụ đặc biệt” là cụm từ được Nga sử dụng để mô tả các tàu ngầm chuyên mang siêu ngư lôi Poseidon (Thần biển). Đây là một trong những “siêu vũ khí” được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tháng 3/2018.
Poseidon được coi là một loại tàu ngầm không người lái sử dụng động cơ hạt nhân cỡ nhỏ, giúp nó có tầm hoạt động khoảng 10.000 km, đủ sức vượt qua khu vực Bắc Đại Tây Dương. Các chuyên gia Nga từng tuyên bố Poseidon có tốc độ tối đa 200 km/h.
Nó có thể tiếp cận lãnh thổ đối phương ở độ sâu lớn, cũng như tăng tốc để cắt đuôi khi bị phát hiện và sau đó quay lại chế độ di chuyển bí mật với tốc độ thấp, nhằm tung đòn bất ngờ phá hủy cơ sở quân sự, nhóm tàu sân bay và các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Đầu đạn hạt nhân của Poseidon có sức công phá tương đương hai triệu tấn thuốc nổ TNT, trên lý thuyết có thể tạo ra sóng thần chứa phóng xạ nhằm vào thành phố duyên hải hoặc căn cứ hải quân gần nhất của đối phương.
“Nga đang theo đuổi hàng loạt dự án chế tạo vũ khí hạt nhân để uy hiếp lãnh thổ Mỹ và các đồng minh”, đánh giá năng lực hạt nhân toàn cầu được Lầu Năm Góc công bố năm ngoái có đoạn.
Viện Hải quân Mỹ cho rằng ngư lôi Poseidon đã thay đổi hoàn toàn khái niệm về những vũ khí hạt nhân triển khai từ tàu ngầm. “Điều đáng sợ nhất là nó có khả năng vận hành tự động. Một quả Poseidon sẽ gây tác động rất lớn về mặt chiến lược, vì đó là hệ thống triển khai đầu đạn hạt nhân mới và không nằm trong quy định của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện nay”, cơ quan này cho biết trong báo cáo năm 2022.
Vũ Anh (Theo TASS)
Để lại một phản hồi