Ninh Bình cần 11,7 tỷ USD vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 – 2030

Chiều 6/4, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Đức Trung)

Tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước nhưng chưa tạo ra bứt phá

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi cùng bề dày lịch sử và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc; đặc biệt danh thắng Tràng An – tỉnh Ninh Bình được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ phía Nam của đất nước, là tỉnh kết nối giữa phía Bắc Trung Bộ với phía Nam Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội để kết nối lên khu vực Tây Bắc.

Với lợi thế vốn có đã tạo cho Ninh Bình nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế, thể hiện qua một số chỉ tiêu như giai đoạn 2015 – 2020, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,03%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 45%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 11,7%; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông vận tải, truyền tải điện… đã phát triển mạnh mẽ; văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc và tiến bộ, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng – an ninh được bảo đảm.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Ninh Bình đạt 8,03%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (Ảnh: Đức Trung)

Tuy nhiên, việc phát triển của tỉnh Ninh Bình thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý; công nghiệp chưa đi vào chiều sâu về chất lượng, hiệu quả; nông nghiệp chưa được chú trọng theo hướng gia tăng về chất lượng và giá trị; nguồn nhân lực với trình độ, năng suất lao động chưa cao; tỷ lệ đô thị hóa (24,7%) đạt mức trung bình cả nước; du lịch chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế.

Do đó, việc lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp tỉnh Ninh Bình phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình là một trung tâm du lịch bền vững chất lượng

Trình bày một số nội dung chính của quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình phát triển hiệu quả, bao trùm và bền vững, trong đó công nghiệp là ngành tạo ra động lực tăng trưởng và về lâu dài du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng, hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá và năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và trở thành một trung tâm du lịch của cả nước.

Đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình là một trung tâm du lịch bền vững chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là một cực tăng trưởng tiềm năng về công nghiệp và dịch vụ của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng; một tỉnh phát triển khá toàn diện của vùng Đồng bằng sông Hồng và là nơi đáng sống, an toàn và thân thiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình phát triển hiệu quả, bao trùm và bền vững (Ảnh: Đức Trung)

Ninh Bình đưa ra 5 đột phá phát triển gồm: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất và các nguồn lực xã hội. Cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh từ các thành phần kinh tế để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đai. Tổ chức hợp lý không gian, phân vùng chức năng. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử – văn hóa, thiên nhiên; Bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tỉnh cho biết sẽ thu hút đầu tư các Tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng, có vai trò tạo động lực phát triển, thu hút khách du lịch và các dự án Bất động sản cao cấp gắn với phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao theo mô hình Business Park (trong đó có Trung tâm giáo dục công nghiệp và công nghệ sáng tạo; Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm đào tạo các ngành nghề liên quan đến du lịch cho cả tỉnh và các tỉnh xung quanh).

Hình thành trung tâm CBD (Central Business District) tại thành phố Ninh Bình (tập trung các dịch vụ tài chính, ngân hàng, trung tâm thương mại, các dịch vụ và kinh tế đô thị khác…).

Xây dựng trung tâm Logistic tại thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình (điểm kết nối, là đầu mối giữa hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây của tỉnh) gắn với phát triển thương mại điện tử, kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030 và trung tâm Logistic tại huyện Kim Sơn giai đoạn 2030-2050.

Phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây (Kim Sơn – Tam Điệp – Nho Quan), sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường để tạo động lực phát triển tỉnh. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường để tăng cường liên kết vùng, liên kết với các tỉnh bạn, đặc biệt là liên kết với tỉnh Thanh Hóa để sử dụng hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng nước sâu Nghi Sơn.

Tỉnh đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 8,5 – 9%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm và thủy sản chiếm tỷ lệ 5,35%; công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ lệ 47,92%; dịch vụ chiếm tỷ lệ 35,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ lệ 11,19%.

Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đã lựa chọn, dựa vào mục tiêu cần đạt và hệ số sử dụng vốn, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 – 2025 là 5,27 tỷ USD, thời kỳ 2026 – 2030 là 6,4 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư hàng năm giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 1,05 tỷ USD/năm và khoảng 1,28 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2026 – 2030.

Để huy động vốn đầu tư, tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả về thu, chi ngân sách, tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*