Theo Báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, trong quý I/2023, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều tín hiệu tốt, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Lũy kế đến hết quý I/2023, Tiền Giang thu hút được 3 dự án mới ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 250 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án trong khu công nghiệp (trong đó có 1 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp) với tổng vốn đầu tư 2.648 tỷ đồng.
Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có chiều hướng tích cực, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tháng sau cao hơn tháng trước. Ước quý I/2023 toàn tỉnh có 225 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.584 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Đồng thời, có 183 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 28,9% so cùng kỳ, gấp 10,8 lần số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, gấp 7,3 lần số doanh nghiệp hoàn tất giải thể. Tính đến cuối tháng 3/2023, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 6.200 doanh nghiệp, 4.920 đơn vị trực thuộc và 69.600 hộ kinh doanh hoạt động.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đạt kết quả rất khả quan. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh được giao là 5.295 tỷ đồng cho 318 dự án, công trình. Trong đó, chuyển tiếp 202 dự án, khởi công mới 116 dự án. Ước giá trị giải ngân quý I/2023 được 1.640 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch, tăng 74,7% so cùng kỳ.
Để đảm bảo thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo, đối với các dự án chuyển tiếp: đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, thực hiện nghiệm thu, thanh toán vốn với Kho bạc nhà nước ngay khi có khối lượng để giải ngân tốt phần vốn được giao. Tiếp tục thực hiện thường xuyên việc điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 giữa nội bộ chủ đầu tư và các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Đối với các dự án khởi công mới, khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu và sớm triển khai thi công các dự án.
Đối với các dự án quy mô lớn, sử dụng vốn ngân sách Trung ương, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu thi công, khẩn trương tổ chức triển khai thi công, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án, nhất là đối với dự án đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Châu Á hoàn thiện đề xuất dự án Tuyến đường bộ ven biển kết nối Long An, Bến Tre.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các Ban Quản lý dự án trực thuộc Trung ương để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, để sớm hoàn thành như: Dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Mỹ Thuận 2, giải phóng mặt bằng cầu Rạch Miễu 2.
Để lại một phản hồi