Ukraine nêu lý do Nga rút tiêm kích MiG-31 ở Belarus về nước

“MiG-31 là máy bay, một cỗ máy thỉnh thoảng cần được sửa chữa hoặc bảo dưỡng định kỳ”, Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, ngày 8/4 cho biết. “Belarus không có thiết bị cần thiết để làm công việc này”.

Ông Ihnat cũng nhận định việc Nga rút tiêm kích MiG-31K, loại có khả năng mang tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal, từ Belarus về nước có thể nằm trong kế hoạch luân chuyển quân. “Một số tiêm kích sẽ quay về căn cứ chính tại Nga, số khác sẽ tới Belarus”, ông Ihnat nói.

Tiêm kích MiG-31K Nga mang tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal. Ảnh: BQP Nga

Tiêm kích MiG-31K Nga mang tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal. Ảnh: BQP Nga

Một nhóm giám sát tại Belarus cho biết ba tiêm kích MiG-31K Nga ngày 6/4 rời căn cứ không quân Machulishchy về nước. Trong 113 ngày đóng quân tại Belarus, những tiêm kích này cất cánh 39 lần.

Do có khả năng mang tên lửa Kinzhal với tầm bắn 2.000 km có thể bao trùm lãnh thổ Ukraine, các chuyến xuất kích của tiêm kích MiG-31K Nga khiến Ukraine phát báo cảnh báo không kích toàn quốc. Tuy nhiên, Nga hiếm khi sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tập kích Ukraine do không sở hữu nhiều vũ khí này.

Liên Xô phát triển tiêm kích MiG-31 từ những năm 1970 và biên chế tháng 5/1981, hơn 500 chiếc đã xuất xưởng. MiG-31 có nhiệm vụ đánh chặn và tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không từ khoảng cách xa. Tiêm kích có khả năng đạt tốc độ tối đa 3.000 km/h, tầm bay tối đa lên tới 5.400 km.

MiG-31 là tiêm kích đầu tiên trên thế giới được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) có khả năng theo dõi đồng thời 24 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Cục diện chiến sự Nga – Ukraine. Đồ họa: WP

Nguyễn Tiến (Theo Yahoo News)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*