Australia mua hơn 200 tên lửa Tomahawk của Mỹ

“Khi chúng ta bước vào cái mà nhiều người gọi là thời đại tên lửa, đây sẽ là những công cụ quan trọng để Lực lượng Phòng vệ Australia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người dân”, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Australia Pat Conroy ngày 21/8 cho hay.

Ông Conroy cũng nói rằng hơn 200 tên lửa hành trình Tomahawk này sẽ thuộc số những vũ khí “mạnh nhất với công nghệ tiên tiến nhất” trong kho vũ khí của Australia.

Thương vụ tên lửa là một phần của thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Australia và Anh. Đây là thỏa thuận ba bên nhằm chia sẻ công nghệ và nguồn lực để xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới trong hai thập niên tới.

Tên lửa Tomahawk rời bệ phóng trên tàu chiến Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2018. Ảnh: US Navy

Tên lửa Tomahawk rời bệ phóng trên tàu chiến Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2018. Ảnh: US Navy

Tên lửa hành trình Tomahawk có phạm vi tấn công hơn 1.000 km và sẽ được bố trí trên các tàu khu trục lớp Hobart của hải quân Australia. Những tên lửa này cuối cùng sẽ được trang bị trên các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Australia mua theo thỏa thuận AUKUS.

Ngoài Mỹ, Anh là quốc gia duy nhất có kho dự trữ tên lửa Tomahawk đáng kể. Australia hồi tháng 1 cho biết họ cũng có kế hoạch mua pháo phòng không HIMARS, hệ thống vũ khí đang được quân đội Ukraine sử dụng trong chiến sự với Nga.

Washington gần đây thông báo sẽ giúp Australia xây dựng ngành công nghiệp sản xuất tên lửa của riêng họ, với mục đích bảo vệ chuỗi cung ứng bị gián đoạn do chiến sự ở Ukraine.

“Chúng tôi mua những vũ khí này để cung cấp năng lực một cách nhanh chóng”, Bộ trưởng Conroy cho biết thêm. “Nhưng chúng tôi cũng đang xem xét các lựa chọn sản xuất tên lửa trong nước vì tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực sản xuất quốc phòng của riêng Australia”.

Theo liên minh AUKUS được thành lập năm 2021, Anh và Mỹ sẽ cung cấp công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật để Australia chế tạo hạm đội 8 tàu ngầm hạt nhân. Australia dự kiến chi gần 250 tỷ USD cho chương trình này trong 30 năm. Nhà Trắng từng ám chỉ khối này có thể được mở rộng trong tương lai để kết nối với các đồng minh ở châu Âu và châu Á.

Mỹ và Australia cũng đang theo đuổi chương trình vũ khí siêu vượt âm thử nghiệm mang tên SCIFiRE.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*