Căng thẳng ngũ cốc đe dọa quan hệ Ba Lan – Ukraine

Từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu, Ba Lan là một trong những bên viện trợ kinh tế và quân sự nhiều nhất cho Ukraine. Nước này tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine, bảo vệ Kiev trên các diễn đàn quốc tế, biến lãnh thổ Ba Lan thành nơi tập kết vũ khí phương Tây đến tiền tuyến.

Nhưng ngay cả với những người bạn thân thiết nhất, tranh cãi nảy lửa vẫn có thể nảy sinh.

Cuối tháng trước, Marcin Przydacz, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Andrzej Duda, nói rằng Ukraine “hãy bắt đầu thể hiện cảm kích với sự hỗ trợ từ Ba Lan”, ám chỉ Kiev “vô ơn”. Bình luận của ông Przydacz nhằm đáp trả những căng thẳng ngày càng leo thang giữa Warsaw và Kiev liên quan đến dòng chảy ngũ cốc Ukraine được xuất khẩu vào Ba Lan.

Theo thỏa thuận được Liên minh châu Âu (EU) thông qua, Ba Lan và 4 nước láng giềng cho phép ngũ cốc của Ukraine được quá cảnh qua lãnh thổ, nhưng không được nhập khẩu vào 4 quốc gia này, nhằm bảo vệ nông dân trong nước.

Thỏa thuận dự kiến hết hạn vào ngày 15/9, song Przydacz và các quan chức Ba Lan khác kêu gọi gia hạn. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã gọi hành động của Warsaw là “không thân thiện và mang tính dân túy”.

“Ukraine thực sự đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ Ba Lan. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan”, ông Przydacz nói cuối tháng 7.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại sự kiện ở Lutsk, Ukraine ngày 9/7. Ảnh: AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại sự kiện ở Lutsk, Ukraine ngày 9/7. Ảnh: AP

Xuất khẩu ngũ cốc là vấn đề cấp bách, nếu không muốn nói là sống còn, đối với Ukraine, sau khi Nga tăng cường tập kích các cảng ở Biển Đen tháng trước, cắt đứt các tuyến xuất khẩu ngũ cốc chính ra thị trường toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu đại sứ Ba Lan Bartosz Cichocki hôm 1/8, sau bình luận của ông Przydacz. Một ngày sau, quan chức Ba Lan cũng triệu đại sứ Ukraine Vasyl Zvarych.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski cho hay quan hệ với Ukraine hiện tại “không phải trong trạng thái tốt nhất”, thêm rằng Ukraine “không nên công kích đồng minh”.

Theo David L. Stern và Loveday Morris, hai nhà phân tích của Washington Post, những căng thẳng gần đây khó đe dọa quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine, nhưng thể hiện thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi cố gắng cân bằng giữa nhu cầu cấp bách của họ và các nước láng giềng. Căng thẳng cũng cho thấy những dấu hiệu về sự mệt mỏi và căng thẳng đối với các đồng minh của Ukraine khi chiến sự đã gần bước sang tháng thứ 18.

“Tôi lo lắng về điều này, bởi hành động của các cá nhân, đặc biệt là những lãnh đạo chính trị, rất quan trọng. Tôi nghĩ sai lầm có thể xảy ra và nếu như vậy, quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine có thể rạn nứt”, Tymofiy Mylovanov, người đứng đầu Trường Kinh tế Kiev, nói.

Cho đến nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và quan chức hàng đầu Ba Lan đã cố gắng dập tắt bất kỳ nguy cơ bùng phát xung đột nghiêm trọng nào giữa hai nước, trong đó có sự cố tên lửa phòng không của Ukraine rơi xuống lãnh thổ Ba Lan khiến hai công dân thiệt mạng.

Đáp lại tranh cãi về vấn đề ngũ cốc, Tổng thống Zelensky viết trên Twitter rằng “những tranh cãi chính trị” không nên phá hỏng quan hệ hai nước và hai bên cũng “nên hạ nhiệt” căng thẳng. Ông nhấn mạnh rằng Ukraine đánh giá rất cao “sự hỗ trợ của Ba Lan, quốc gia cùng với chúng tôi tạo thành lá chắn thực sự của châu Âu”.

“Không thể có vết nứt trong lá chắn này”, ông nói.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nguy cơ rạn nứt có thể xảy ra, khi Ba Lan từng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ukraine và hai nước có chung lịch sử phức tạp và cay đắng.

Hồi tháng 7, Tổng thống Zelensky và Tổng thống Duda đã kỷ niệm 80 năm sự kiện “ngày Chủ nhật đẫm máu”, trong đó lực lượng nổi dậy Ukraine muốn thành lập nhà nước độc lập đã tấn công các ngôi làng Ba Lan ở vùng Volyn, phía tây Ukraine, khiến hàng chục nghìn người chết.

Ông Zelensky đã cùng Tổng thống Ba Lan dự buổi lễ tôn giáo tại thành phố Lutsk ở miền tây Ukraine, cử chỉ hòa giải được các quan chức Ba Lan đánh giá cao.

Tuy nhiên, Ba Lan và Ukraine vẫn thể hiện góc nhìn khác nhau về những gì đã xảy ra cách đây 80 năm. Người Ba Lan gọi đây là “vụ thảm sát Volyn”, cho rằng lực lượng nổi dậy Ukraie khi đó muốn loại bỏ người Ba Lan ở khu vực. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine coi sự kiện là kết quả của cuộc đấu tranh giữa người Ba Lan và Ukraine vào thời điểm đó.

Ông Duda và ông Zelensky cùng đăng bài Twitter nói rằng họ tôn vinh “tất cả nạn nhân vô tội” ở Volyn. Tuy nhiên, trong một bài đăng riêng, Tổng thống Duda viết rằng ông tham gia sự kiện cùng ông Zelensky để “tưởng nhớ những người Ba Lan bị sát hại”.

“Có hai vấn đề nhạy cảm giữa Ba Lan và Ukraine. Đầu tiên là lịch sử và đó là vấn đề cũ trong nhiều năm”, Wojciech Kononczuk, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông do chính phủ Ba Lan tài trợ, nói. “Vấn đề khác chính là ngũ cốc Ukraine”.

Khi nông dân là nền tảng ủng hộ chính của đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền ở Ba Lan, vấn đề ngũ cốc đặc biệt gây tranh cãi đối với chính phủ, khi họ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu vào giữa tháng 10.

Đảng Liên minh cực hữu đã tiến hành chiến dịch chống lại cái mà họ mô tả là “Ukraine hóa Ba Lan”. Khảo sát cho thấy đảng cực hữu này có thể lên nắm quyền sau cuộc bầu cử, làm dấy lên lo ngại rằng các thành viên của đảng có thể tìm cách giảm ủng hộ của Ba Lan với Ukraine.

Vị trí của Ukraine. Đồ họa:DW

Vị trí của Ukraine và Ba Lan. Đồ họa:DW

Chuyên gia Kononczuk cho rằng các quan chức Ba Lan và Ukraine đã có những động thái “đầy cảm tính” trong các tranh cãi gần đây. Ông nói việc Ukraine triệu đại sứ Ba Lan tại Kiev khiến Warsaw bất ngờ, đặc biệt khi Cichocki là một trong số ít đại sứ vẫn ở lại Kiev giữa chiến sự và ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine.

“Sự đồng cảm giữa người dân Ba Lan và Ukraine đang ở mức chưa từng có”, với sự thúc đẩy “nhận thức chung về mối đe dọa an ninh do Nga gây ra”, theo Kononczuk. Dẫu vậy, những tranh cãi về vấn đề ngũ cốc sẽ không biến mất.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi khẳng định các hạn chế đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine vào các nước láng giềng phải được dỡ bỏ càng sớm càng tốt.

“Hậu quả sẽ ra sao nếu nông dân Ukraine không thể sống sót qua năm nay”, Solskyi nói, thêm rằng đây là tình huống đặc biệt cần xem xét.

Solskyi tin rằng quyết định rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen của Nga gần đây được kích hoạt bởi quyết định của EU ngăn Ukraine xuất khẩu lương thực tới 4 nước láng giềng. Điều này tạo cho Điện Kremlin cơ hội để siết chặt gọng kìm với nền kinh tế Ukraine.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Solskyi không lo lắng về căng thẳng hiện nay với Ba Lan, vì “không có mối quan hệ bạn bè hay đối tác nào là không có tranh cãi”. “Nếu chúng tôi không bất đồng, mối quan hệ dường như không thể trọn vẹn”, ông nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*