Cuộc gọi khiến ông Trump bị truy tố ở Georgia

Công tố viên Fani Willis của bang Georgia hôm 14/8 công bố cáo trạng truy tố cựu tổng thống Mỹ Donald Trump với 13 cáo buộc, liên quan nghi vấn ông can thiệp kết quả bầu cử năm 2020 ở bang này.

Cáo trạng cho thấy công tố viên Willis tập trung vào một số vấn đề trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống của ông Trump và một số trợ lý, luật sư riêng, trong đó đặc biệt chú trọng vào cuộc gọi “tìm phiếu” mà cựu tổng thống Mỹ đã thực hiện với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Windham, New Hampshire, hôm 8/8. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Windham, New Hampshire, hôm 8/8. Ảnh: AFP

Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khi các dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy ứng viên Joe Biden đã đắc cử nhờ chiến thắng ở các bang chiến trường quan trọng, trong đó có Georgia, Trump cùng các đồng minh đã bắt đầu nỗ lực lật ngược kết quả.

Các bước đầu tiên mà Trump và các cố vấn thực hiện là thúc giục các thành viên Cộng hòa trong nghị viện hoặc chính quyền các bang chiến trường chặn xác nhận kết quả bầu cử hoặc thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho ông.

Georgia, bang có 16 phiếu đại cử tri, là mục tiêu hàng đầu mà nhóm của ông Trump nhắm tới, bởi kết quả kiểm phiếu ở đây cho thấy chênh lệch khá sít sao, với chỉ gần 12.000 phiếu bầu.

Điều quan trọng hơn là bang Georgia hoàn toàn nghiêng về đảng Cộng hòa, không giống như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania có thống đốc đảng Dân chủ hay Arizona có Tổng thư ký cũng thuộc đảng Dân chủ.

Trump và các cố vấn nhiều lần liên hệ với các thành viên Cộng hòa ở bang Georgia, nhưng họ không ủng hộ nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của ông. Ngày 16/11/2020, Tổng thư ký Raffensperger, một thành viên đảng Cộng hòa, đã công khai về những áp lực ông đang phải chịu từ đồng minh Trump khi quá trình kiểm phiếu đang diễn ra.

Ông Trump liên tục yêu cầu bang Georgia kiểm phiếu lại. Tuy nhiên, sau lần kiểm phiếu lại thứ ba, Tổng thư ký Raffensperger vẫn tuyên bố ông Biden đã chiến thắng ở bang này với kết quả không đổi.

Tới ngày 7/12/2020, Tổng thư ký Raffensperger và Thống đốc Brian Kemp đã chứng nhận kết quả kiểm phiếu cuối cùng của bang Georgia, xác nhận nỗ lực đảo ngược bầu cử của ông Trump tại đây thất bại.

Tổng thư ký Raffensperger họp báo tại thành phố Atlanta, bang Georgia, hồi tháng 12/2020. Ảnh: AP

Tổng thư ký Raffensperger họp báo tại thành phố Atlanta, bang Georgia, hồi tháng 12/2020. Ảnh: AP

Tuy nhiên, nhóm của ông Trump sau đó tiếp tục gây áp lực lên giới chức bầu cử Georgia. Cuối tháng 12/2020, cựu tổng thống Mỹ gọi cho điều tra viên bầu cử hàng đầu Georgia, yêu cầu người này phải nỗ lực tìm ra dấu hiệu gian lận ở bang này.

Tháng 1/2021, công tố viên Georgia Byung Pak bất ngờ từ chức sau khi tiết lộ rằng ông bị đe dọa sa thải nếu từ chối thừa nhận tình trạng gian lận bầu cử ở Georgia.

Tuy nhiên, tâm điểm của cáo trạng truy tố Trump là cuộc gọi ngày 2/1/2021 được ông thực hiện với Tổng thư ký Raffensperger. Trong cuộc gọi kéo dài hơn một tiếng, Trump nhiều lần thúc giục Raffensperger thay đổi kết quả bầu cử ở bang này.

“Người dân Georgia và cả nước đang tức giận. Không có gì sai khi yêu cầu kiểm đếm lại, nên hãy xem xét lại. Tôi chỉ cần làm vậy thôi. Tôi chỉ muốn tìm 11.780 phiếu, nhiều hơn một phiếu mà chúng ta có. Bởi vì chúng ta đã thắng ở Georgia”, Trump nói, thậm chí đe dọa Raffensperger có thể bị truy tố hình sự trừ khi tìm đủ số phiếu để lật ngược kết quả.

Phần lớn tác động trước đó của ông Trump với giới chức Georgia đều chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, nhưng cuộc gọi với Tổng thư ký Raffensperger đã khiến nhiều chuyên gia nhận định rằng cựu tổng thống đã vượt quyền để thực hiện hành vi phạm tội cả luật bang và liên bang.

“Đó không phải yêu cầu từ một Tổng thống tha thiết muốn tìm ra hành vi gian lận bầu cử, mà là đề nghị từ người chỉ đang cố gắng tìm chiến thắng bằng bất cứ cách nào”, bình luận viên Aaron Blake của Washington Post đánh giá, nói thêm rằng Trump đã đề cập đến con số 11.000 phiếu không dưới 18 lần suốt cuộc gọi.

Cuộc gọi Trump 'vừa đấm vừa xoa' Tổng thư ký Georgia

Cuộc gọi Trump ‘vừa đấm vừa xoa’ Tổng thư ký Georgia

Nội dung cuộc gọi “tìm phiếu” giữa Trump và Raffensperger hôm 2/1/2021. Video: WP

Do thủ phủ của bang Georgia là thành phố Atlanta, thuộc hạt Fulton, nên mọi hành vi vi phạm luật bang này đều thuộc phạm vi xem xét của công tố viên Willis, thành viên đảng Dân chủ.

Ban đầu, công tố viên Willis có vẻ hành động nhanh chóng. Ngày 4/1/2021, bà tuyên bố đã tìm thấy thông tin về cuộc gọi “đáng quan ngại” và cảnh báo bất cứ ai phạm luật Georgia trong khu vực bà phụ trách đều phải chịu trách nhiệm.

Tới tháng 2/2021, Willis thông báo cho các quan chức bang Georgia rằng bà đã mở điều tra và đang tìm hiểu các dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan gian lận bầu cử ở bang này.

Cuộc điều tra của Willis phần lớn diễn ra trong im lặng suốt năm 2021. Tuy nhiên, cuối năm 2021, công tố viên này thông báo sẽ vận dụng quy chế đại bồi thẩm đoàn đặc biệt, có thể duy trì hoạt động lâu hơn thời gian hai tháng của đại bồi thẩm đoàn thông thường.

Các thành viên đại bồi thẩm đoàn đặc biệt được triệu tập vào tháng 5/2022 và bắt đầu nghe lời khai từ các nhân chứng một tháng sau đó. Công tố viên Willis đã lấy được tường trình từ thượng nghị sĩ Lindsey Graham, luật sư Rudy Giuliani và nhiều người đóng vai trò quan trọng khác trong nhóm của ông Trump.

Công tố viên Willis cũng tiết lộ có thời điểm toàn bộ 16 đại cử tri giả, những người được nhóm ông Trump lập ra để mạo nhận chiến thắng tại bang Georgia, đều là mục tiêu điều tra của bà, dù sau đó ít nhất 8 người đã đạt được thỏa thuận miễn tố với công tố viên.

Đại bồi thẩm đoàn đặc biệt đã hoàn thành công việc và gửi báo cáo hồi tháng 12/2022. Do đại bồi thẩm đoàn đặc biệt không có quyền truy tố, công tố viên Willis hồi tháng 7 tiếp tục triệu tập một đại bồi thẩm đoàn thông thường, để họ nghe bằng chứng và thông qua bản cáo trạng nhắm vào ông Trump hôm 14/8.

Quyết định này đồng nghĩa Donald Trump đã bị truy tố trong cả 4 cuộc điều tra nhằm vào ông cả ở cấp bang lẫn liên bang. Điều đáng chú ý với động thái từ Georgia là ngay cả khi Trump đắc cử năm 2024, ông cũng không có quyền ân xá cho bản thân hay chấm dứt nỗ lực truy tố của công tố viên Willis, vì nó được tiến hành theo luật bang, không phải luật liên bang.

Ngọc Ánh (Theo VOX)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*