Đảo ở Hawaii như ‘vùng chiến sự’ sau cháy rừng, người chết tăng lên 93

“Ngay lúc này, chúng tôi vẫn trong giai đoạn khắc phục hậu quả thương vong về người. Hiện số nạn nhân thiệt mạng là 93, khung cảnh như vùng chiến sự, nhưng sự giúp đỡ chúng tôi nhận được cũng thật đáng kinh ngạc”, Thống đốc Hawaii Josh Green hôm 13/8 cho hay, đồng thời lưu ý số người chết sẽ tăng.

Ba đám cháy bùng lên và càn quét thị trấn du lịch nổi tiếng Lahaina và một số khu vực khác trên đảo Maui từ ngày 8/8, san bằng thị trấn và thiêu rụi gần như mọi thứ trên đường di chuyển. Thảm thực vật khô dày kết hợp gió mạnh khiến đám cháy lan nhanh đến mức nhiều người trong thị trấn không kịp sơ tán.

Nhiều ngày sau trận hỏa hoạn, đội cứu hỏa vẫn tiếp tục chiến đấu với những ngọn lửa bùng lên. Chó nghiệp vụ đang được triển khai ở những đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân.

Thống đốc Green một lần nữa nhấn mạnh sẽ điều tra hệ thống thông báo khẩn cấp và cách phản ứng với hỏa hoạn, sau khi một số nhân chứng cho biết họ được cảnh báo rất ít, hoặc thậm chí không có cảnh báo nào.

Hệ thống còi báo động được bố trí xung quanh hòn đảo, nhằm cảnh báo về các thảm họa thiên nhiên sắp xảy ra, đã không phát ra âm thanh. Tình trạng mất điện và mất mạng điện thoại di động diện rộng cũng cản trở các hình thức cảnh báo khác.

Khung cảnh hoang tàn ở thị trấn nghỉ mát Lahaina, bang Hawaii ngày 12/8, sau vụ cháy rừng nghiêm trọng. Ảnh: AFP

Khung cảnh hoang tàn ở thị trấn nghỉ mát Lahaina, bang Hawaii ngày 12/8, sau vụ cháy rừng nghiêm trọng. Ảnh: AFP

Trong kế hoạch ứng phó khẩn cấp năm ngoái, bang Hawaii mô tả nguy cơ cháy rừng gây ảnh hưởng đến người dân là “thấp”. Nhiều cư dân Lahaina chỉ biết xảy ra cháy sau khi được hàng xóm thông báo, hoặc tận mắt chứng kiến.

“Ngọn núi phía sau chúng tôi bốc cháy và không ai báo cho chúng tôi biết”, Vilma Reed, 63 tuổi, nói. “Chúng tôi chỉ biết khi đám cháy đã ở bên kia đường”.

Theo Thống đốc Green, cuộc điều tra sẽ xác định liệu cơ quan chức năng có làm tròn chức trách hay không.

Khi được hỏi tại sao không còi báo động nào trên đảo được kích hoạt, thượng nghị sĩ Dân chủ Mazie Hirono của Hawaii cho biết bà sẽ chờ kết quả điều tra do Tổng chưởng lý bang công bố. “Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ lời bào chữa nào cho thảm kịch này”, Hirono nói.

Vụ cháy rừng ở Lahaina đã trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở Hawaii kể từ khi trận sóng thần khiến 61 người thiệt mạng năm 1960, một năm sau khi Hawaii trở thành bang của Mỹ. Đây cũng là thảm họa cháy rừng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1918, khi vụ cháy rừng ở hai bang Minnesota và Wisconsin khiến 453 người thiệt mạng.

Giới chức đã bố trí 1.000 phòng khách sạn cho những người bị mất nhà cửa và đang sắp xếp tòa nhà cho thuê làm nơi ở miễn phí cho các gia đình, theo ông Green. Hơn 1.400 người đã được đưa vào nơi trú ẩn khẩn cấp.

Hàng trăm người vẫn mất tích. Gia đình và bạn bè người mất tích đang chia sẻ thông tin trên mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ tìm kiếm.

Vị trí cháy rừng. Đồ họa: Globe & Mail

Vị trí cháy rừng. Đồ họa: Globe & Mail

“Bố mẹ chồng tôi vẫn mất tích”, Heather Baylosis đăng trên Instagram hôm 12/8. “Những người được tìm thấy sống sót bị tổn thương nghiêm trọng do những gì họ đã trải qua. Chúng tôi đang hết hy vọng!”.

“Bố tôi, Michael Misaka, mất tích kể từ khi đám cháy Lahaina bùng phát. Làm ơn cho tôi biết nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến bố tôi. Tôi chỉ muốn biết ông vẫn được an toàn”, Megan Sweeting viết trên Facebook.

Theo Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Liên bang (FEMA), chi phí để xây dựng lại Lahaina ước tính khoảng 5,5 tỷ USD, khi hơn 2.200 công trình bị hư hại hoặc phá hủy và khu vực rộng hơn 850 ha bị đốt cháy.

Lahaina thu hút du khách với những khu nghỉ mát bãi biển, công trình, di tích lịch sử, nhà hàng và các chuyến du ngoạn ngắm cá voi.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*