“Cơn bão hoàn hảo”
“Từ góc độ FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), Trung Quốc đang trải qua một cơn bão hoàn hảo, trong đó có nhiều yếu tố đang cùng nhau cản trở tâm lý nhà đầu tư”, Chủ tịch Văn phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) Jens Eskelund nói.
Ông Eskelund chỉ ra những vấn đề như biến động chuỗi cung ứng, dịch chuyển sản xuất, căng thẳng địa chính trị, tăng trưởng kinh tế yếu cả ở trong nước lẫn nước ngoài, và tâm lý tiêu cực ngày càng gia tăng của châu Âu.
“Điều mà chúng ta thấy hiện nay ở nền kinh tế này là một cuộc khủng hoảng niềm tin”, ông Eskelund nói thêm rằng “sự bất ổn về những điều có thể diễn ra trong tương lai” đã làm yếu đi tâm lý kinh doanh.
Phát ngôn được ông Eskelund đưa ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc kể từ quý II, dẫn tới tình trạng suy yếu trên khắp các lĩnh vực trong tháng 7 khi mà nhu cầu bên ngoài giảm sút, còn cuộc khủng hoảng bất động sản lại có xu hướng trầm trọng hơn.
Những yếu tố ấy đang đè nặng lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức “khoảng 5%” mà Trung Quốc đặt ra cho năm nay.
Làm sao để lấy lại niềm tin đã mất?
Theo Chủ tịch EUCCC, Trung Quốc nên đối phó bằng cách gây dựng lại niềm tin đã vụn vỡ bằng các bước đi chắc chắn nhằm cải thiện sự minh bạch trong chính sách và tiếp cận thông tin – những vấn đề ngày càng quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ cố gắng hoạt động ở thị trường Trung Quốc.
Ông Eskelund cho rằng, Bắc Kinh vẫn có thể vượt qua được tình thế khó khăn nếu có những động thái quyết đoán trong bối cảnh “cơn bão hoàn hảo” đang vùi dập niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chủ tịch Văn phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc khẳng định các doanh nghiệp EU vẫn rất quan tâm tới thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Eskelund cũng lưu ý rằng, nếu thiếu các động thái chắc chắn, mạnh mẽ nêu trên thì các doanh nghiệp sẽ còn lưỡng lự đặt cược vào nền kinh tế này.
“Bắc Kinh nên tạo ra sự ổn định về môi trường đầu tư và quan hệ với châu Âu, đồng thời tái thiết lập niềm tin vào năng suất và tính có thể dự đoán của thị trường Trung Quốc”, ông Eskelund nói.
“Trung Quốc có thể bắt đầu bằng cách xử lý tính mơ hồ trong chính sách và hạn chế trong tiếp cận thị trường, bằng cách biến những chỉ thị thành hành động chắc chắn trong những tháng tới. Điều này sẽ tạo nên sự thay đổi cho các công ty châu Âu và góp phần làm chuyển biến tâm lý trong cộng đồng kinh doanh”.
Thay vào một chính sách thúc đẩy tiền tệ bùng nổ, Bắc Kinh công bố các kế hoạch hành động nhằm vào lĩnh vực tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài và tiêu dùng – vốn được xem là các lĩnh vực trọng yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra việc làm.
Nhưng khi các nhà hoạch định chính sách và các quan chức tài chính kêu gọi dư luận kiên nhẫn trong thời điểm kinh tế chạm đáy, nhiều người lại không muốn động tới các khoản tiết kiệm của mình và điều đó đã cản trở tiêu dùng.
Trong vài năm qua, niềm tin của nước ngoài đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Giữa bối cảnh ấy, Trung Quốc đã tiếp tục đầu tư cho an ninh quốc gia và tăng cường tự lực cánh sinh.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có những bước đối phó như công bố một cơ chế liên lạc bàn tròn mới do Bộ Thương mại Trung Quốc khởi xướng hồi tháng 7 để thu hút các công ty nước ngoài và bồi đắp chỗ đứng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa chạm được tới một số nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi hiểu rằng cần phải bảo vệ an ninh quốc gia nhưng chúng tôi lo là những thông điệp ấy không mấy dễ chịu với các công ty nước ngoài”, ông Eskelund nói, “Chúng tôi muốn đầu tư vào Trung Quốc và phát triển kinh doanh ở đây. Nhưng chúng tôi cần phải có một tầm nhìn thẳng, cho phép chúng tôi cảm thấy được đảm bảo về cách mà mình sẽ phát triển trong tương lai”.
“Chúng tôi hy vọng thấy được những định nghĩa rõ ràng về bí mật quốc gia và hạ tầng thông tin trọng yếu, cùng cách diễn giải [và thực thi] giữa các cấp khác nhau”, ông Eskelund cho biết, bổ sung rằng các công ty ngày càng trăn trở về loại thông tin mà họ được phép thu thập ở Trung Quốc.
Mới đây, Bắc Kinh đã công bố danh sách hướng dẫn gồm 24 điểm trong một nỗ lực nhằm trấn an các nhà đầu tư nước ngoài khi cam kết mở rộng tiếp cận thị trường, đẩy nhanh luồng dữ liệu xuyên biên giới và nới lỏng tiếp nhận thị thực để thu hút thêm nhân tài nước ngoài.
Tuy vậy, Chủ tịch EUCCC cho rằng Trung Quốc cần nhanh chóng hiện thực hóa những cam kết ấy nếu muốn ngăn chặn làn sóng người nước ngoài rời đi và thuyết phục các nhân tài mới đến với mình.
Để lại một phản hồi