Cụ thể, biên bản cuộc họp cho biết một số quan chức chỉ ra rằng rủi ro của việc tăng lãi suất quá mạnh so với quá “nhẹ tay” có “hai mặt”. Điều quan trọng là các quyết định của FOMC phải cân bằng được rủi ro của việc thắt chặt quá mức trước hậu quả của việc thắt chặt “chưa đủ”.
Đồng thời, giới chức NHTW vẫn nhận thấy nguy cơ lạm phát có thể không giảm mạnh như mong đợi. Điều này có thể buộc Fed phải tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Những rủi ro đó bao gồm kinh tế tăng trưởng “nóng”, những khó khăn của chuỗi cung ứng quay trở lại hay giá hàng hoá sụt giảm, vốn là những nguyên nhân chính khiến lạm phát hạ nhiệt chậm.
Vào tháng trước, Fed đã tăng lãi suất chuẩn thêm 0,25% lên mức từ 5,25% đến 5,5%, cao nhất trong 22 năm. Quyết định này được đưa ra sau động thái tạm dừng tăng vào tháng 6 và đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 11 kể từ tháng 3/2022, khi lãi suất ở gần mức 0.
Hồi tháng 6, hầu hết các quan chức đều cho rằng lãi suất sẽ dao động ở phạm vi 5,5% đến 5,75% trong năm nay, tức là tiếp tục tăng thêm 0,25% vào cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể trong 2 tháng kể từ khi họ đưa ra dự báo này. Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 19-20/9.
Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker, thành viên có quyền biểu quyết ở FOMC, cho biết vào tuần trước: “Tôi tin rằng chúng ta có thể kiên nhẫn và giữ lãi suất ổn định.”
Trong khi đó, chủ tịch Fed Atlanta và Boston cho biết họ ủng hộ việc tạm dừng tăng lâu hơn. Chủ tịch Fed Boston Susan Collins phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước: “Rủi ro của việc điều chỉnh quá mạnh tay đã tăng lên và gần như ngang bằng với rủi ro của việc hành động không đủ.”
Một số quan chức khác thì lại cho rằng áp lực giá có thể vẫn kéo dài khi thị trường lao động tăng trưởng “nóng”, cho phép người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn. Điều này khiến lạm phát cũng khó hạ nhiệt hơn.
Chủ tịch Fed Richmond Tom Barkin cho biết ông tin rằng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2%, nếu “nền kinh tế thực đang giảm tốc như mong đợi, không thì ông sẽ đặt câu hỏi về lộ trình chính sách.”
Trước khi công bố biên bản, các nhà đầu tư trên thị trường tương lai dự đoán khoảng 33% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần trong năm nay nhưng chỉ 10% được thực hiện vào tháng tới.
Lạm phát tại Mỹ đã giảm từ mức cao nhất 40 năm vào mùa hè năm ngoái. CPI tháng 7 tăng 3,2% so với 1 năm trước. Con số này thấp hơn nhiều so với mức cao gần đây là 9,1% trong tháng 6/2022. Ngoài ra, CPI lõi chỉ tăng 0,2% trong tháng 6 và 7. Lạm phát lõi tháng 7 giảm xuống 4,7% so với năm trước. CPI cơ bản trong quý vừa qua tăng 3,1%, mức thấp nhất trong 2 năm.
Tại một cuộc họp báo vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell không loại trừ khả năng NHTW tăng lãi suất vào tháng 9. Ông cho hay: “Số liệu lạm phát đang có sự cải thiện mạnh mẽ, nhưng cũng có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải theo dõi sát sao dữ liệu và cho biết chúng tôi đã đi được bao xa. Chúng tôi có thể chậm lại một chút cũng như mạnh tay trước khi lạm phát nóng trở lại”.
Ông Powell đã duy trì sự đồng thuận của các thành viên FOMC kể từ khi lạm phát tăng mạnh từ hơn 2 năm trước, chỉ có 2 cuộc họp chứng kiến sự bất đồng quan điểm. Song, biên bản cuộc họp lần này cho thấy khó có thể đạt được sự đồng thuận như vậy trong những tháng tới.
Dù 11 thành viên có quyền biểu quyết ủng hộ việc tăng lãi suất trong tháng trước, nhưng 2/18 quan chức tham gia thảo luận cho biết họ đồng tình với việc giữ nguyên lãi suất.
Việc Fed tăng lãi suất nhằm mục đích hạ nhiệt lạm phát. Dù lạm phát đang giảm tốc như các quan chức dự đoán từ lâu, nhưng hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn duy trì đà mạnh mẽ hơn dự kiến. Điều này tạo ra thách thức cho các quan chức Fed, khi họ giữ quan điểm rằng nền kinh tế cần phải suy yếu thì lạm phát mới xuống mục tiêu 2%.
Mới đây, số liệu chính thức cho thấy chi tiêu bán lẻ của người Mỹ trong tháng 7 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm. Đây là tín hiệu cho thấy khả năng hồi phục bất ngờ của người tiêu dùng nước này trong năm nay.
Theo biên bản, các quan chức Fed không còn dự báo về một cuộc suy thoái xảy ra trong năm nay. Các thành viên cấp cao hồi tháng 3 cho rằng việc một số ngân hàng sụp đổ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng. Tuy nhiên, đến tháng 7, họ kết luận rằng hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ đã làm giảm rủi ro suy thoái.
Tham khảo WSJ
Để lại một phản hồi