Gần 40% công ty ở Nhật Bản thuê lao động trên 70 tuổi

Nhật vốn quy định tuổi nghỉ hưu là 60, tuy nhiên, nước này sửa luật vào năm 2013, yêu cầu các công ty tiếp tục để nhân viên làm việc cho đến 65 tuổi nếu người lao động muốn. Các doanh nghiệp ban đầu phản đối sự thay đổi này vì sợ tăng chi phí. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động hiện nay đang khiến họ thuê ngày càng nhiều lao động lớn tuổi.

Nhà bán lẻ hàng điện tử Nojima năm 2020 cho phép người lao động tiếp tục làm việc cho đến khi họ 80 tuổi. Năm 2021, tập đoàn YKK, nhà sản xuất khóa kéo lớn nhất thế giới, loại bỏ giới hạn tuổi nghỉ hưu và Nojima sau đó có động thái tương tự.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và Bộ Nội Vụ, Truyền thông Nhật Bản hồi đầu tháng công bố số liệu cho biết tỷ lệ công ty tuyển dụng lao động trên 70 tuổi trong năm 2022 là 39%, gấp đôi so với mức năm 2012.

Nhóm dân trong độ tuổi lao động 15-64 chiếm 59% dân số Nhật Bản trong năm 2022, giảm 9% so với những năm 2000. Trong số những người có việc làm, nhóm trên 65 tuổi có 6,39 triệu người, chiếm tỷ lệ kỷ lục 10,6%, cao hơn mức 7% ở Mỹ và 4% ở Đức.

Tỷ lệ lao động lớn tuổi ở mức cao trong các ngành đang đối mặt tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. 15% lao động trong ngành xây dựng và điều dưỡng là người cao tuổi. Tỷ lệ trong ngành vận tải là hơn 10%, song tỷ lệ tài xế taxi, xe bus hơn 65 tuổi chiếm tới 30%.

Tỷ lệ công ty chấp nhận lao động trên 70 tuổi giai đoạn 2012-2022. Đồ họa: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

Tỷ lệ công ty chấp nhận lao động trên 70 tuổi giai đoạn 2012-2022. Đồ họa: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

Nhiều công ty Nhật Bản phụ thuộc vào lao động lớn tuổi vì tình trạng đồng yên mất giá khiến việc thuê lao động nước ngoài trở nên khó khăn. Nhược điểm của việc này là người cao tuổi dễ bị tai nạn khi làm việc hơn và chủ lao động cần chú ý nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho họ.

Nhà bán lẻ điện tử Nojima hiện có 30 nhân viên trên 70 tuổi, trong đó có ba người trên 80 tuổi. “Giới hạn tuổi tác không phù hợp với ‘thời đại trăm tuổi này'”, Yukata Tajima, đồng giám đốc Nojima, nói. “Không tận dụng tốt nguồn nhân lực cao tuổi là sự lãng phí lớn”.

Một tài xế taxi lớn tuổi ở Tokyo, thủ đô Nhật Bản, năm 2021. Ảnh: Sora News

Một tài xế taxi lớn tuổi ở Tokyo, thủ đô Nhật Bản, năm 2021. Ảnh: Sora News

Ukita Sangyo Kotsu, công ty điều hành taxi ở tỉnh miền bắc Akita, có khoảng 25 tài xế, đa số trên 65 tuổi. Đây là tỉnh có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao nhất toàn quốc.

“Chúng tôi chỉ nhận được đơn xin việc từ một người trong hai tháng qua. Trước tình trạng người trẻ rời tỉnh, chúng tôi không thể tồn tại mà không có nhóm lao động lớn tuổi”, Tadakatsu Ukita, chủ tịch công ty, cho hay.

Nhiều lao động cảm thấy hài lòng khi có thể đi làm ở tuổi này. Trong đó có bà Emiko Kumagai, người bắt đầu làm cho Nojima ở Tokyo từ năm 69 tuổi.

“Tôi cảm thấy tự tin hơn về bản thân sau một ngày làm việc”, bà Kumagai, hiện 81 tuổi, nói. “Tôi hạnh phúc khi thấy mình có ích, bởi không muốn tụt hậu so với xã hội”. Bà làm việc 4 ngày một tuần, phụ trách từ di chuyển, trưng bày hàng hóa cho đến tư vấn khách hàng.

Đức Trung (Theo Nikkei, Qz)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*