Ngành bán lẻ tại Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (theo Bộ Công Thương). Đây cũng là ngành luôn duy trì mức tăng trưởng cao, gấp 1,5 đến 2 lần so với GDP. Nhờ vậy, bán lẻ cũng luôn thu hút dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tại chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2 – Số 22 với chủ đề “Bán lẻ sống khỏe” , Host Ngọc Trinh cho biết cổ phiếu bán lẻ là cổ phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ và là nhóm cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Không những vậy, nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực bán lẻ, bên cạnh tài chính.
Xuất hiện trong phần Giải mã doanh nghiệp tại Talkshow, vị khách mời đặc biệt là ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc cấp cao Trung tâm KHDN và Trải nghiệm khách hàng CTCP FPT Retail đã bật mí những câu chuyện đầy thú vị về lĩnh vực này.
Liên quan tới vấn đề cạnh tranh giá, ông Bảo cho biết trong kinh doanh giá cả là một yếu tố cực kỳ quan trọng khi người tiêu dùng luôn mong muốn một mức giá tốt và hợp lý. FPT Retail cũng có những chính sách giá hết sức linh động, phù hợp để cạnh tranh và tồn tại trên thị trường mang lại nhiều giá trị cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, vị giám đốc nhận định rằng “chiến giá” không phải là xu hướng bền vững. Bởi nếu giá cứ mãi giảm, trong ngắn hạn người dùng có thể hưởng lợi khi mua được giá rẻ. Song về đường dài, cuộc chiến giá giữa các nhà bán lẻ sẽ trở thành cuộc chiến “lose-lose”. Nghĩa là khi một công ty cố gắng giảm giá để hạ gục đối thủ, tới giai đoạn giảm giá hết sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Lợi nhuận bị ảnh hưởng sẽ kéo theo những việc như đầu tư, tái đầu tư cho dịch vụ trước, trong và sau bán hàng không được ưu tiên và người tiêu dùng theo đó bị ảnh hưởng về đường dài.
Bên cạnh đó, sự thiệt hại thứ 2 mà ít người nghĩ tới là “độc quyền”, điều này xảy ra khi các đối thủ triệt hạ lẫn nhau và chỉ còn một doanh nghiệp duy nhất trong ngành. Khi ấy, công ty sẽ tăng giá để kiếm lời trở lại và người tiêu dùng sẽ chịu áp lực tăng giá.
Trên góc nhìn nhà quản lý FPT Retail, ông Ngô Quốc Bảo cho rằng dù FRT đang có những chính sách giá linh hoạt để có thể cạnh tranh và mang lại giá trị cho người tiêu dùng nhưng về đường dài, FRT theo đuổi xu hướng nâng cao trải nghiệm người dùng. “ Do đó, ngay cả thời buổi khó khăn trong thời gian vừa qua, chúng tôi vẫn đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ ”, ông Bảo chia sẻ.
Tựu chung lại, Host Ngọc Trinh nhận định dưới góc nhìn của người tiêu dùng, yếu tố quan tâm đầu tiên là về giá. Tuy nhiên, dần dần họ sẽ quan tâm tới câu chuyện là khi đã bỏ tiền ra, thứ mong muốn nhận về không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn từ sự chăm sóc phía sau.
Để lại một phản hồi