Hơn 40 quốc gia ‘nộp đơn’ xin gia nhập, các thành viên BRICS sẽ được hưởng lợi như thế nào khi khối này mở rộng?

TIN MỚI

    Các thành viên của khối BRICS đã chính thức bước vào Hội nghị Thượng đỉnh có thể quyết định tương lai của các quốc gia thành viên. Liệu BRICS sẽ làm thay đổi trật tự thế giới mà họ coi là phương Tây đang “thống trị” ở mức độ nào?

    Cuối tuần trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với việc mở rộng BRICS. Ông nói rằng, một khối lớn mạnh hơn sẽ “đa dạng các quốc gia tham gia”, với “mong muốn chung là đặt ra một trật tự toàn cầu cân bằng hơn”, trong một thế giới “ngày càng phức tạp và rạn nứt”.

    Hiện tại, các thành viên của BRICS đang hướng đến mục tiêu có nhiều tiếng nói hơn trong một hệ thống quốc tế mà họ cho là đang có lợi cho phương Tây và nhóm G7. Theo giới phân tích, khối này có thể sẽ gặp nhiều rủi ro địa chính trị hơn trong nỗ lực tái cân bằng trật tự toàn cầu, đặc biệt là khi mối quan hệ của phương Tây với Nga và Trung Quốc trở nên căng thẳng, cùng với đó là nỗ lực kết nạp các thành viên mới.

    Đặc phái viên của Trung Quốc tại Nam Phi – ông Chen Xiaodong, gần đây cho biết ngày càng nhiều quốc gia muốn tham gia vào BRICS để “bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ”. Ông phát biểu trong một cuộc họp báo trước thềm hội nghị: “Khi một số quốc gia sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và tham gia vào quyền tài phán, thì các nước BRICS muốn đối thoại và tham vấn bình đẳng.”

    Theo Bhaso Ndzendze, phó giáo sư ngành chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Johannesburg, việc mở rộng thành viên của khối có thể là “bài kiểm tra áp lực đầu tiên của BRICS trong gần 1 thập kỷ rưỡi hoạt động.” Ông nói, việc kết nạp thêm thành viên sẽ mở rộng sức ảnh hưởng của khối và tăng cường sự tham gia vào chương trình nghị sự của khối nhằm chống lại sự thống trị của phương Tây.

    Các nhà phân tích cho biết, việc các nhà lãnh đạo của các nước thành viên BRICS quyết định bổ sung và cách họ lựa chọn thành viên sẽ có tác động đáng kể đến cả thế giới. Việc mở rộng quy mô của khối sẽ tập trung vào phát triển kinh tế và nâng cao tiếng nói của các thành viên trên các diễn đàn toàn cầu.

    Theo Reuters, hiện có hơn 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cũng đưa ra yêu cầu chưa chính thức. Giới chức Nam Phi cho biết, các nước chính thức nộp đơn gia nhập có: Argentina, Mexico, Iran, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Nigeria và Bangladesh.

    Mihaela Papa, thành viên cấp cao của Dự án Liên minh các cường quốc mới nổi tại Đại học Tufts (Mỹ), chỉ ra, các quốc gia có nhiều lý do để muốn gia nhập BRICS, từ việc họ quan tâm đến các sáng kiến cụ thể như chuyển sang sử dụng đồng nội tệ cho đến “thách thức Mỹ”.

    Bà nói thêm, một số quốc gia khác muốn tiếp cận nhiều hơn với Trung Quốc hoặc các nước BRICS khác, cũng có thể là muốn có nhiều quyền kiểm soát hơn trong bối cảnh bất ổn và căng thẳng hiện tại.

    Những quốc gia mới gia nhập với tiềm lực kinh tế mạnh có thể giúp BRICS có thêm khả năng để định hình lại hoặc tạo ra các lựa chọn thay thế cho những thể chế quyền lực hiện có. Các chuyên gia cho biết, việc lựa chọn thành viên có quan điểm đối lập công khai với phương Tây như Iran có thể khiến BRICS càng trở thành một khối chống lại phương Tây. Việc kết nạp thêm thành viên có thể sẽ mang lại tác động tích cực cho thành viên quyền lực nhất nhóm, là Trung Quốc,

    Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, nhận định, BRICS càng đông thành viên thì họ càng có tiếng nói mạnh hơn, Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn nhất sẽ càng khẳng định vai trò lãnh đạo và đại diện cho các nước đang phát triển.

    Song, nhìn chung, các nhà lãnh đạo của BRICS dự kiến sẽ cân nhắc kỹ về tiêu chí lựa chọn thành viên mới. Khi nói đến việc mở rộng BRICS, mỗi quốc gia trong khối đều có lý do riêng để thận trọng trong việc cho phép ai tham gia.

    Theo Rubens Duarte, điều phối viên của LABMUNDO, trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Brazil, Brazil và Nam Phi có thể sẽ ủng hộ việc mở rộng khối, nhưng sẽ “thận trong hơn trong việc chào đón các quốc gia có quan điểm đối lập công khai với Mỹ” gia nhập.

    Tuy nhiên, Duarte cho biết sự thay đổi này có thể không phải điều mà BRICS đang tìm kiếm. Họ muốn kết nạp thêm thành viên để đa dạng hoá quan điểm trong những cuộc thảo luận về các vấn đề toàn cầu. Nhưng nếu họ quyết định mở rộng và thúc đẩy vai trò trên toàn cầu, thì điều này có thể sẽ tạo ra sự biến chuyển lớn hơn, tác động đến tầm ảnh hưởng của châu Âu và Mỹ.

    Duarte nhận định: “BRICS càng hoạt động tích cực thì càng có nhiều quốc gia khác mất quyền lực.”

    Tham khảo CNN

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *