Hàng năm, Cargill vận chuyển khoảng 225 triệu tấn hàng hóa đi khắp thế giới trên hàng trăm con tàu khổng lồ. Thay vì sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, vốn gây ô nhiễm ngôi trường, Cargill hiện đang chuyển sang một loại năng lượng bền vững hơn: Gió.
Sử dụng những cánh buồm, một giải pháp đã có từ khoảng 6.000 năm trước, tàu Pyxis Ocean đã chuyển 80.000 tấn hàng hóa của Cargill từ Thượng Hải đến Singapore với lực hỗ trợ từ 2 cánh buồm khổng lồ bằng thép và sợi thủy tinh. Đây là chiếc tàu đầu tiên được trang bị 2 cánh đón gió, cao 37,5m/chiếc, để giúp giảm lượng nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ.
Theo nhà thiết kế BAR Technologies, những cánh buồm này có thể giúp tiết kiệm 20% nhiên liệu của tàu. Nếu thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, Cargill sẽ lắp thêm buồm cho khoảng 10 tàu nữa trong hạm đội chuyên chở nông sản của mình.
Jan Dieleman, lãnh đạo bộ phận vận tải biển của Cargill, cho biết: “Giải pháp này giúp chúng tôi tận dụng được loại nhiên liệu có giá phải chăng hơn rất nhiều. Chẳng ai tính phí cho những cơn gió”.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà khai thác và chủ tàu đang tìm cách tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió để thúc đẩy hoạt động cho đội tàu khổng lồ của mình. Điều này được kỳ vọng sẽ hạn chế phần nào “tai tiếng” trong ngành vận tải biển, vốn ngốn lượng lớn nhiêu liệu hóa thạch.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế cũng thừa nhận ngành công nghiệp này thải vào khí quyển lượng CO2 tương đương 283 nhà máy nhiệt điện than mỗi năm. Thế nhưng, dù ngành vận tải biển đang chịu áp lực ngày càng tăng để giảm lượng khí thải nhưng việc loại bỏ dầu mỏ là thách thức lớn và cũng là một nhiệm vụ tốn kém.
Ở thời điểm hiện tại, việc tận dụng năng lượng gió là mục tiêu mà nhiều chủ tàu hướng tới. Thế nhưng, việc sử dụng các tàu chạy hoàn toàn bằng sức gió là điều gì đó quá xa vời, nhất là khi những con tàu vận tải đang lớn hơn bao giờ hết. Kỷ nguyên những cột buồm thống trị các đại dương đã bị xóa bỏ hàng trăm năm trước khi động cơ hơi nước ra đời. Sau này, động cơ sử dụng xăng, dầu đã thay thế hoàn toàn than đá trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, gió vẫn có một khả năng nhất định trong việc giúp giảm khí thải. Pyxis Ocean hiện là một trong khoảng 20 tàu chở hàng có trang bị thêm thiết bị đón gió để tăng sức đẩy. Đối với Cargill, những cột buồm này có thể giúp họ tiến thêm bước nữa trong việc hướng tới giảm 30% lượng khí thải trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình trên mỗi tấn sản phẩm vào cuối thập kỷ này.
Dẫu vậy, những cột buồm trang bị công nghệ hiện đại có giá thành rất cao so với lượng nhiên liệu mà nó có thể góp phần tiết kiệm. Tàu Pyxis Ocean cần hoạt động trong 7-10 năm thì lượng nhiên liệu nó tiết kiệm mới có thể bù lại chi phí xây dựng các cột buồm. Nếu giá nhiên liệu tăng cao, quãng thời gian này có thể được rút ngắn hơn.
Tuy nhiên, đây có lẽ là giải pháp tốt nhất cho ngành vận tải biển hiện nay. Việc lắp các cánh buồm sẽ được thực hiện trên các tàu có sẵn chứ không cần đóng mới. Và hiệu quả có thể nhìn thấy ngay khi mỗi cánh buồm có thể giúp tiết kiệm 1,5 tấn nhiên liệu hóa thạch/ngày – điều mà nhà thiết kế WindWing đã công bố.
Tham khảo: Bloomberg
Để lại một phản hồi