Gạo trở thành mặt hàng quý hiếm
Nhà máy của Riyaz Ahmed ở ngoại ô Mysuru, nằm trong vành đai nông nghiệp màu mỡ ở miền nam Ấn Độ, chất đầy những bao tải chứa đầy một mặt hàng quý hiếm đến không ngờ: gạo.
Giá gạo, cà chua và các mặt hàng thiết yếu khác đã tăng trong những tuần gần đây do sự thất thường của gió mùa hàng năm ở Ấn Độ đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Trong khi mưa lớn ở một số khu vực đã cuốn trôi mùa màng, thì việc gió mùa đến chậm ở một số khu vực khác làm dấy lên lo ngại về mùa màng thất bát và thậm chí khiến giá cả tăng cao hơn.
“Gió mùa về muộn . . . và bây giờ chúng tôi đang thiếu nước”, ông Ahmed, 69 tuổi, người đã xay xát gạo gần 30 năm cho biết.
“Tất cả mọi người từ những người có thu nhập thấp nhất đến cao nhất đều đang bị ảnh hưởng”, ông nói thêm.
Tình trạng này đã trở thành mối lo ngại lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.
Tuần trước Ấn Độ đã quyết định cấm xuất khẩu một số loại gạo sau khi dư luận phẫn nộ về việc giá gạo tăng cao.
Động thái này đã gây ra những cú sốc trên toàn cầu. IMF kêu gọi chính phủ của ông Modi thay đổi quyết định.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và nhiều quốc gia phụ thuộc vào nước này.
Túi tiền người dân thêm áp lực
Thị trường thực phẩm Ấn Độ năm nay đã chứng kiến nhiều xáo động. Giá cà chua đã tăng khoảng 400% kể từ tháng trước sau khi mưa xối xả gây thiệt hại cho vụ mùa, trong khi giá gạo tăng 11,5% kể từ năm ngoái.
Avinash Kishore, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho rằng túi tiền của người dân Ấn Độ nghèo ngày càng chịu áp lực.
“Làm thế nào để mua được thực phẩm? Đó là câu hỏi mà tôi đang tự hỏi mình”, Jeetu Singh, một lao động nhập cư 32 tuổi tại một chợ rau bán buôn gần Mysuru ở bang Karnataka phía tây nam Ấn Độ, nói.
“Cà chua, gạo – mọi thứ đều tăng giá”, anh nói thêm.
Jayalakshmi, cho biết cô đã cắt giảm đậu lăng, dầu và các nhu yếu phẩm khác để có đủ tiền chi trả các hóa đơn của mình.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát tiêu dùng 4,8% trong tháng 6 vẫn nằm trong phạm vi của Ấn Độ, nhưng ngân hàng trung ương này đã cảnh báo trong tháng này rằng giá lương thực tăng cao cho thấy “cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc”.
Các nhà chức trách đã ứng phó với tình trạng tăng giá cà chua bằng mọi cách, từ trợ cấp cho đến các thiết kế cải thiện chuỗi cung ứng.
Các chính trị gia cứ nói rằng nông dân là “xương sống” của đất nước, nhưng “xương sống” đó đã bị gãy từ lâu, Swamy K, một nông dân trồng lúa 68 tuổi ở một ngôi làng gần Mysuru, nói.
Để lại một phản hồi