Các nhà sản xuất ô tô của Đức phải đối mặt với những cơn gió ngược nhưng khó khăn của họ còn trở nên lớn hơn do các vấn đề về cơ cấu ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp hùng mạnh của nước này này.
DW News đưa tin, quá trình chuyển đổi sang phương tiện di chuyển bằng xe điện và xe tự hành ở Đức đang gây ra chi phí cao hơn. Doanh thu ngành ô tô chủ yếu vẫn đến từ việc bán xe động cơ đốt trong lại ngày càng gặp khó khăn.
Số liệu của các công ty trong nửa đầu năm 2023 được cho là đã làm hài lòng các hãng như Volkswagen, Mercedes Benz và BMW. Tất cả đều báo cáo doanh thu tăng và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, triển vọng của họ trong phần còn lại của năm lại làm thất vọng kỳ vọng của các nhà đầu tư và các cổ đông. Lạm phát và lãi suất tăng đang có tác động và làm giảm nhu cầu đối với các phương tiện mới.
Hildegard Müller, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức, cảnh báo: “Ngay cả khi chúng ta thấy sản lượng tăng lên, thì đây không phải là dấu hiệu khủng hoảng đang giảm bớt,” đồng thời lưu ý rằng doanh số bán hàng vẫn thấp hơn 1/5 so với mức trước đại dịch Covid-19 năm 2019.
Các đơn đặt hàng xe ô tô ở Đức đang giảm, đặc biệt là đối với các loại xe chạy bằng pin, với nhu cầu giảm xuống chỉ còn khoảng 60% số lượng so với năm trước.
Thị trường Trung Quốc bùng nổ
Trong khi đó, Trung Quốc – thị trường ô tô lớn và quan trọng nhất thế giới đang phát triển nhanh chóng ở lĩnh vực ô tô điện, khẳng định vị trí dẫn đầu không chỉ về số lượng người mua mà còn về sản lượng.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang đạt được tiến bộ nhanh chóng để bắt kịp với công ty hàng đầu trong ngành là Tesla. Người mua ô tô Trung Quốc, từ tầng lớp trung lưu đến tầng lớp thu nhập cao đang ngày càng ưa chuộng các thương hiệu nội địa.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc BYD đã bán được nhiều hơn 29% xe điện so với Tesla trong nửa đầu năm nay.
Ralf Brandstätter, thành viên hội đồng quản trị của Volkswagen (VW) tại Trung Quốc cho biết: “Gián đoạn đang diễn ra tại thị trường này.” Ông buộc phải thừa nhận rằng VW đã bị BYD đánh bại về doanh số trong quý đầu tiên tại Trung Quốc. BYD đã giao xe điện cho khách hàng ở Trung Quốc nhiều hơn gần 20 lần so với VW.
Khủng hoảng lan sang phân khúc cao cấp
Các thương hiệu cao cấp như Porsche, Audi, Mercedes-Benz và BMW cũng đang cảm thấy áp lực thị trường ngày càng lớn.
Công ty tư vấn ngành ô tô Berylls tuyên bố trong một nghiên cứu thị trường gần đây rằng thế giới đang chứng kiến “sự thay đổi quan điểm ở Trung Quốc” trong phân khúc cao cấp. Trung Quốc đang nhanh chóng vượt Đức trong cuộc cạnh tranh với các nhà sản xuất phân khúc cao.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất ô tô Đức đã thống trị thị trường Trung Quốc bằng cách sử dụng chiến lược nhỏ giọt: giới thiệu công nghệ dưới dạng tùy chọn bổ sung và tiếp tục bán những lựa chọn này với giá cao cho đến khi các đối thủ cạnh tranh bắt kịp công nghệ.
Willy Wang, giám đốc điều hành của Berylls cho biết: “Khi Trung Quốc đổi mới tiêu dùng, khách hàng nước này không đủ kiên nhẫn chờ công nghệ phát triển cũng như không sẵn sàng trả thêm tiền cho các tính năng mới nhất.”
Trung Quốc vô địch trong xuất khẩu
Đối với châu Âu, báo cáo dự đoán rằng doanh số bán ô tô tại đây vẫn sẽ thấp hơn khoảng 15% so với mức trước đại dịch Covid-19. Các nhà sản xuất châu Âu cũng sẽ ngày càng bị áp lực bởi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại thị trường nội địa của họ.
Không có gì ngạc nhiên khi trong quý đầu tiên của năm 2023, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nhà vô địch xuất khẩu ô tô thế giới. Quốc gia châu Á này đang phát triển với tư cách là một thị trường bán hàng, một nhà xuất khẩu và một địa điểm sản xuất.
“Trung Quốc đang trên đường trở thành một siêu cường ô tô”- Fabian Piontek, chuyên gia ô tô của AlixPartners, nói với DW. Các nhà sản xuất châu Âu đang ngày càng thấy mình phải bảo vệ thị phần trên sân nhà. Ông kết luận: “Kỷ nguyên lợi nhuận kỷ lục của các nhà sản xuất ô tô Đức sắp kết thúc.”
Để lại một phản hồi